Dạy học tích hợp: Đào tạo đơn môn nhưng phải dạy liên môn

Thu Hương 24/10/2022 14:00

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là môn học tích hợp. Vì không có nhân sự giảng dạy, phần lớn các trường vẫn đang phải chia theo phân môn để giảng dạy. Tình thế này tạo ra những phức tạp và khó khăn cho cả người dạy và người học.

Nhiều giáo viên lo lắng nếu đảm nhận dạy môn tích hợp ở cấp THCS.

3 thầy cùng dạy 1 sách

Trên một diễn đàn về giáo dục có hơn 800 thành viên, trong đó có nhiều giáo viên đang dạy môn tích hợp ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã chia sẻ những khó khăn đã và đang gặp phải khi dạy học các môn này ở cấp THCS.

Bà L.N. - giáo viên ở Kiến Xương, Thái Bình bày tỏ lo lắng: “Khi thi đại học, tôi chọn khối A, nghĩa là đã không có sự đầu tư cho môn Sinh học vốn thuộc khối B. Vào đại học, tôi học ngành sư phạm Vật lý và đi giảng dạy đến nay đã 18 năm, kiến thức phổ thông của môn Hóa học từng là thế mạnh cũng đã rơi rụng gần hết. Môn Sinh học với tôi bây giờ như một bầu trời kiến thức mới mẻ mà dù đã hoàn thành xong chứng chỉ bồi dưỡng song để giảng dạy, đứng lớp trực tiếp được thì vẫn cần thêm nhiều thời gian tự nghiên cứu nữa”.

Đây cũng là tâm tư chung của nhiều giáo viên khác, bởi mỗi người có một thế mạnh ngay từ khi học phổ thông và đã thể hiện điều này trong quá trình chọn ngành học. Sau bao nhiêu năm đi làm, giờ yêu cầu thầy cô đứng lớp để giảng dạy một môn học có đến 2/3 nội dung không thực sự am hiểu thì ai không lo cho được?

Ghi nhận ở hầu hết các trường hiện nay vẫn đang bố trí 2-3 giáo viên cùng dạy môn tích hợp do chưa sẵn sàng về mặt đội ngũ. Ông Nguyễn Tiến Bắc - Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, năm học trước trường tổ chức dạy song song các phân môn trong bộ môn tích hợp của lớp 6. Còn năm nay, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hòa Bình và Phòng GDĐT Cao Phong, trường tổ chức dạy học theo hướng ưu tiên xây dựng kế hoạch môn học và tổ chức dạy các nội dung theo đúng thứ tự các chủ đề trong sách giáo khoa (đối với với môn Khoa học tự nhiên); dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lý (đối với môn Lịch sử và Địa lý), bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ.

Về phía nhà trường cách học này dẫn đến khó điều tiết thời khóa biểu do môn học tích hợp vẫn đang được 2-3 thầy cô cùng đảm nhiệm. Có tuần giáo viên phân môn này trội hẳn về số tiết trong khi tuần khác lại rất ít so với định mức 19 tiết/tuần theo quy định của Bộ GDĐT đối với giáo viên bậc THCS.

Để không thiệt thòi cho học sinh

Đây là lo lắng lớn nhất của nhiều nhà trường và giáo viên, phụ huynh khi triển khai môn tích hợp trong trường THCS hiện nay. Bởi như phân tích của ông Nguyễn Tiến Bắc, khi học sinh học liên tục 1 chủ đề liên quan đến môn Vật lý rồi mới tiếp tục học Hóa học, Sinh học hoặc ngược lại khiến các em không được ôn luyện cả 3 phân môn này thường xuyên, liên tục, dễ xảy ra tình trạng “rơi rụng” kiến thức. Trong khi đó, bài kiểm tra cuối kỳ lại bao gồm kiến thức của cả 3 phân môn.

Sau một thời gian dạy môn tích hợp, nhiều thầy cô chia sẻ, đối với môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6, 7, kiến thức khá cơ bản, thuộc mức độ nhận biết về sự vật, hiện tượng. Thế nhưng, với lớp 8, 9, nếu giáo viên không nắm vững kiến thức chuyên môn của môn học đó, khó có thể dạy tốt được. Vì giáo viên trước đây không được đào tạo liên môn, chỉ học đơn môn nên dù hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng theo quy định nhưng nếu đảm nhiệm dạy cả 3 môn ngay trong một thời gian ngắn, khó có thể có sự chuyên sâu về kiến thức để giải đáp cho học sinh hiểu cặn kẽ, nhất là những câu hỏi chuyên sâu.

Khi giáo viên không thực sự hiểu rõ, chỉ đọc, học hỏi đồng nghiệp và lên lớp dạy thì khó có thể vượt ra ngoài khuôn khổ sách giáo khoa, thậm chí để truyền đạt hết nội dung trong sách đến học sinh cũng là một thách thức. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra đó là các trường sư phạm cần khẩn trương đào tạo giáo viên dạy được liên môn, đội ngũ hiện tại cũng cần được bồi dưỡng có hệ thống, bài bản hơn.

Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, quay trở lại vẫn là câu chuyện tự bồi dưỡng kiến thức của mỗi giáo viên để đáp ứng yêu cầu công việc. Với nhà trường, trách nhiệm của tổ trưởng tổ chuyên môn trong việc hỗ trợ, tư vấn cho các giáo viên trong việc thiết kế, xây dựng và triển khai bài giảng là rất quan trọng, nếu không muốn nói là không thể thiếu trong việc dạy học môn tích hợp. Đó nhất định phải là những thầy cô vững chuyên môn và có kinh nghiệm. Tuy nhiên, vốn đây cũng là những thầy cô đang dạy đơn môn nên để hỗ trợ một giáo viên phân môn khác là việc không dễ dàng.

Thu Hương