Chặn nguồn lây nhiễm cúm gia cầm
Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương trên cả nước. Đây là điều đáng lo ngại bởi tổng đàn gia cầm đang có xu hướng gia tăng để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Hiện thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên nguy cơ cúm gia cầm lây sang người rất cao.
Không thể chủ quan
Tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi ở Phú Thọ. Đây là ca bệnh cúm A (H5) trên người ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A (H5).
Trước thông tin về việc 1 cháu bé 5 tuổi tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, Phú Thọ nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)đã chỉ đạo Chi cục Thú y vùng I, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ tổ chức điều tra, lấy mẫu gia cầm để xác định nguyên nhân.
Ông Phan Quang Minh - Trưởng Phòng Dịch tễ thú y, Cục Thú y cho biết, hệ thống thú y trên địa bàn Phú Thọ đã lấy 5 mẫu gộp xét nghiệm virus cúm gia cầm (gồm 1 mẫu gộp môi trường tại gia đình bệnh nhân và 4 mẫu gộp hầu họng tại 4 hộ xung quanh có nuôi gia cầm). Các mẫu này đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H5. Đến hết ngày 21/10, Cục Thú y khẳng định: Chưa xuất hiện dịch bệnh cúm gia cầm tại tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, Cục Thú y đã hướng dẫn địa phương tăng cường vệ sinh tiêu độc, giám sát đàn gia cầm...
Hiện các thành viên khác trong gia đình cùng ăn gia cầm ốm chưa ai có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Các hộ xung quanh nơi gia đình bệnh nhi sống chưa phát hiện gia cầm, thủy cầm nào có biểu hiện ốm, chết; chưa phát hiện người mắc bệnh giống bệnh nhi 5 tuổi.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ cho biết thêm, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba có 6 trang trại nuôi gà, vịt, thủy cầm ở khác khu với gia đình bệnh nhi. Từ đầu năm 2022 đến nay, không ghi nhận trường hợp gia cầm ở các trang trại này ốm chết hàng loạt. Đồng thời, xã không có lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hoặc chợ đầu mối, chợ gia cầm.
Dù vậy theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.
Bộ NN&PTNT vừa có công điện khẩn về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Công điện nêu rõ, đối với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5 cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Chủ động chặn nguồn lây
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay khi nắm được thông tin các địa phương đã gấp rút triển khai các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh ngay từ cơ sở, trang trại nông hộ.
Ngay khi có thông tin nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5 tại Phú Thọ, được cán bộ thú y xã, huyện tuyên truyền ông Nguyễn Văn Đăng, chủ trang trại gà tại xã Bảo Hiệu, Yên Thủy, Hòa Bình đã triển khai ngay các giải pháp nghiêm ngặt về vệ sinh chuồng trại tại nông hộ. “Với quy mô nuôi từ 5.000 đến 7.000 con gà thịt mỗi lứa, ngay từ đầu tôi đã xây dựng quy trình nuôi khép kín, tức là từ thức ăn đến chăm sóc đều thông qua thú y. Cùng với đó, chuồng trại thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tuần, tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh” - ông Đăng cho biết.
Cũng theo ông Đăng cùng với quy trình chăn nuôi an toàn, quá trình chăn nuôi gia đình ông tuân thủ chặt chẽ việc mặc bảo hộ khi vào trang trại nhất là trong bối cảnh dịch cúm gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Tại Hà Nội, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, với tổng đàn gia cầm (bao gồm gà, vịt, ngan, ngỗng) chăn nuôi quy mô trang trại (lớn, vừa và nhỏ) khoảng 14,5 triệu con chiếm 44.79% so với tổng đàn gia cầm. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch rất được quan tâm. Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, Chi cục đã triển khai lấy tổng số 720 mẫu gộp tại 8 huyện có chợ buôn bán gia cầm sống (Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Sóc Sơn). Kết quả phát hiện 4 mẫu dương tính cúm A/H5N1 tại huyện Thanh Oai và Thường Tín.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Chi cục đã chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở tham mưu chính quyền địa phương thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc tại các khu chợ phát hiện mẫu dương tính đồng thời triển khai các biện pháp tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện khi có dịch bệnh xảy ra.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm A/H5, đồng thời để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 2 và các chủng virus cúm gia cầm khác.
“Cơ quan thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch. Rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vaccine cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vaccine cúm gia cầm” - công điện nêu rõ.
Đồng thời tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam.
Bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh có một số biểu hiện như: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng... Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ lên tới 50%. Nguyên nhân bởi không có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh cho người.
Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, ông Phan Quang Minh khuyến cáo người dân lựa chọn gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, hoặc được cơ quan thú y địa phương kiểm nghiệm; không tham gia vận chuyển gia cầm trong thời gian dịch bệnh.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, do đó người dân không ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y Hà Nội:
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh tới từng thôn, xóm
Trên cơ sở đặc điểm dịch tễ của bệnh, đặc điểm các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao, hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm nhằm dự báo sớm nguy cơ và chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh. Năm 2022, triển khai lấy mẫu giám sát sự lưu hành virus Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và A/H7N9 tại các chợ kinh doanh gia cầm sống trên địa bàn Thành phố. Đối tượng lấy mẫu là gà, vịt còn sống được kinh doanh tại các chợ kinh doanh gia cầm sống (01 chợ/huyện); loại mẫu là dịch ngoáy hầu họng (swab). Mẫu được lấy từ tháng 3 đến tháng 9. Mỗi tháng lấy mẫu một lần.
Để phòng, chống dịch cúm lây sang người, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, vùng ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình giám sát sự lưu hành virus trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để khi dịch bệnh xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Mùi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Bắc Giang:
Tuân thủ nghiêm ngặt chăn nuôi an toàn
Trong chăn nuôi không thể tránh khi dịch bệnh xảy ra, tuy nhiên nếu tuân thủ các quy trình về chăn nuôi an toàn sẽ phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Hiện trang trại của tôi đang nuôi gần 10.000 con vịt đẻ lấy trứng, trung bình mỗi ngày trang trại của tôi cùng những người trong câu lạc bộ xuất cho Công ty Samsung Việt Nam khoảng 15.000 quả trứng, tương đương 450.000 quả trứng/tháng. Chưa kể xuất những mối ngoài. Để bán được trứng cho Samsung không dễ phải đáp đáp ứng nhiều tiêu chuẩn rất ngặt nghèo. Họ giám sát rất kỹ từ quy chuẩn đến kỹ thuật.
Nhiều người hỏi tôi bí quyết nào để có thể xuất trứng được vào Sam sung cũng như chăn nuôi vịt an toàn. Thực ra trong chăn nuôi không cần có bí quyết chỉ cần thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn gia cầm thường xuyên được tiêm phòng đầy đủ để phòng trừ dịch bệnh, chuồng trại được khử men sinh học để đảm bảo sạch sẽ. Nhờ việc tuân thủ quy trình này, trong nhiều năm dù dịch bệnh xảy ra nhưng trang trại chăn nuôi của tôi vẫn an toàn và được cấp giấy chứng nhận trang trại an toàn sinh học.