Người lính cứu hỏa chia sẻ khoảnh khắc nữ nạn nhân ôm chặt khóc nức nở
"Sau khi cắt được khung sắt, đưa các nạn nhân ra ngoài, có một cô gái trẻ đi tới ôm chặt lấy tôi rồi khóc nức nở. Khi đó tôi cũng chỉ biết đáp lại cô bé bằng cách ôm động viên".
Tối 23/10, tại một ngôi nhà 6 tầng trong ngõ 132 Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn khiến nhiều người bị mắc kẹt. Chỉ sau thời gian ngắn tiếp cận, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đã giải cứu được 11 nạn nhân trong căn nhà thoát ra an toàn.
Sau vụ cháy, hình ảnh một cô gái trẻ mặt mũi lấm lem ôm chặt người lính cứu hỏa khóc nức nở được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ. Cái ôm của cô gái như muốn thay lời cảm ơn các chiến sĩ PCCC đã không quản ngại nguy hiểm giải cứu những nạn nhân thoát khỏi cái chết cận kề. Cái ôm đáp lại của người lính thay lời động viên cô gái trẻ vừa trải qua hoạn nạn.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, người lính cứu hỏa trong bức ảnh trên là Thiếu tá Nguyễn Minh Đức (39 tuổi, Phó đội trưởng, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực số 2, PC07).
Trong cuộc trò chuyện muộn với PV Dân trí đêm 23/10, anh Đức cho biết bản thân mình vừa rời khỏi hiện trường vụ cháy và đang chuẩn bị cho ca trực đêm tại đơn vị.
Anh Đức cho hay, sau khi tiếp nhận tin báo cháy, đơn vị của anh cùng với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Cầu Giấy điều 4 xe chữa cháy cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường. Tuy nhiên, do địa điểm cháy nằm trong ngõ nhỏ, ngôi nhà xảy ra cháy lại là dạng nhà có "chuồng cọp" nên tình hình khi đó rất nguy cấp, có nhiều người mắc kẹt bên trong.
"Sau khi nắm tình hình, chỉ huy đã chỉ đạo anh em chia thành 3 mũi tiến công, mỗi mũi gồm 4 chiến sĩ tiếp cận vào ngôi nhà, giải cứu những người bị mắc kẹt. Tuy nhiên khi đó tầng 1 và 2 của căn nhà đang cháy dữ dội nên anh em phải trèo từ những ngôi nhà khác bên cạnh, sau đó mới áp sát được khu vực tầng cao hơn của căn nhà bị cháy... rồi tìm cách mở lối thoát hiểm thứ hai", anh Đức kể.
Sau khi tiếp cận được căn nhà từ sân thượng nhà liền kề, anh Đức cùng với đồng đội đã sử dụng phương tiện cắt khung sắt, mở "chồng cọp" để giải cứu các nạn nhân, đưa ra khỏi đám cháy. Cùng với đó, chỉ huy chữa cháy đã chỉ đạo lực lượng công an phường, dân phòng… tổ chức phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự khu vực xảy ra cháy.
Vào nghề từ năm 2008, anh Đức nói rằng bản thân đã trải qua rất nhiều cuộc chiến với "giặc lửa", đến nay anh cũng không thể nhớ nổi mình đã cứu được bao nhiêu người thoát khỏi nguy hiểm. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Đức thi thoảng lại nói "rất ngại", bởi đó là công việc và cũng là nghĩa vụ mà thường ngày các anh phải làm.
"Những thành công đó không phải của chỉ mình tôi mà là cả của anh em trong đội. Bản thân mình cũng rất ngại khi được mọi người khen ngợi bởi, đó là công việc và nghĩa vụ mà chúng tôi phải làm. Mỗi lần cứu được một ai đó là anh em trong đội đều cảm thấy hạnh phúc và trân trọng nghề chúng tôi đang làm", anh Đức khiêm tốn chia sẻ.