Thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Theo giới chuyên gia kinh tế, việc hàng hóa sản xuất tại địa phương tham gia vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của TP HCM không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, mà còn có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất hàng hóa ở các địa phương chuyển dịch theo hướng văn minh, hiện đại.
Ông Trần Tiến Khai - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Đây là vùng kinh tế - xã hội có quy mô dân số hơn 20 triệu người, tiêu thụ một lượng lớn nông sản thực phẩm. Ước tính mỗi năm cả vùng tiêu thụ đến 1,5 triệu tấn gạo, 500 nghìn tấn thịt các loại, 800 nghìn tấn thủy hải sản, 3 triệu tấn rau quả và 1.500 triệu quả trứng. Mặc dù vậy, liên kết chuỗi lương thực thực phẩm trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn. Các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh đáp ứng cung - cầu thị trường. Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM khẳng định, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, muốn ổn định chuỗi giá trị hàng hóa, cần sự hỗ trợ liên kết hiệu quả hơn nữa. Nghĩa là các sở, ngành cần hỗ trợ kết nối để tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng: nguyên liệu, sản xuất, chế biến, vận chuyển, phân phối,... đều cùng tham gia nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng DN.
“Đồng Tháp có nhiều DN cung ứng cho thị trường TPHCM. Vì vậy, việc liên kết sẽ tạo sự ổn định cho thị trường. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa các DN trong xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ các mặt hàng chưa đạt được nhiều kết quả” - ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp nói. Nguyên nhân, do chưa có nhiều DN mạnh dạn tham gia với vai trò dẫn dắt chuỗi các mặt hàng nông sản trái cây của tỉnh Đồng Tháp. Trong khi các DN, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.
Để phát triển ổn định chuỗi giá trị hàng hóa, vấn đề an toàn thực phẩm cũng có vai trò hết sức quan trọng. Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, hàng hóa của Long An về TPHCM rất nhiều. Hiện Long An có 25 – 30 chuỗi nông sản an toàn có thể tham gia cho thị trường thành phố.
Giới chuyên gia cho rằng, TPHCM và các đô thị lớn trong vùng là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm chủ yếu của các tỉnh, thành Nam bộ và nhất là các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, liên kết nội vùng giữa các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho hàng chục triệu cư dân và thế hệ tương lai. Thế nhưng, nhìn nhận từ thực tế, ông Khai cho rằng, ở TPHCM và các tỉnh, hệ thống phân phối hiện đại đang phát triển mạnh mẽ và phần nào bảo đảm được các quy định an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% nông sản thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống là các chợ dân sinh không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Chỉ khoảng 30% sản lượng thực phẩm tươi sống từ các tỉnh vào TP HCM được kiểm soát thông qua các hệ thống phân phối hiện đại. Theo ông Khai, các cơ quan chức năng đang thực hiện bình ổn thị trường khá tốt, song quản lý thị trường không chỉ dừng lại ở giá cả hàng hóa mà cần đảm bảo về an toan thực phẩm. Do đó, thay vì khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì nên bắt buộc áp dụng.
“Nhà nước nên nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý an toàn thực phẩm hợp nhất ở cấp quốc gia. Cụ thể, nhân rộng mô hình quản lý an toàn thực phẩm tại TPHCM ra các tỉnh, tránh bất cập khi 3 bộ cùng quản lý như hiện nay” - ông Khai nói. Hiện nay TPHCM đang thực hiện thí điểm mô hình quản lý an toàn thực phẩm hợp nhất đầu mối là Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố. Trong khi các tỉnh thành vẫn tổ chức quản lý an toàn thực phẩm theo mô hình phân tán giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh thuộc ba ngành: nông nghiệp, y tế và công thương.
Mới đây, tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện dần những quy định, chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc. Bắt buộc diện rộng chưa được thì bắt buộc trong phạm vi hẹp. DN và nông dân cũng nên hợp tác bằng tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung thay vì mua đứt bán đoạn.