Dệt may 'khát' đơn hàng cuối năm

M. Phương 25/10/2022 08:01

Lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu sụt giảm. Điều này ngay lập tức đã tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành may mặc nước nhà, bởi lượng hàng xuất khẩu dệt may chiếm tỷ trọng lớn.

Nhiều doanh nghiệp dệt may mới chỉ có đơn hàng đến hết tháng 10.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD tương ứng với mức giảm 27% so với tháng 8, xuống chỉ còn 3,2 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, những thị trường tiềm năng, truyền thống của dệt may như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đang ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt.

Theo quan sát của Công ty Chứng khoán SSI, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 giảm hơn 25-50% so với giai đoạn tăng trưởng mạnh vào quý II/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023, tuy nhiên lượng đơn hàng còn hụt rất xa so với công suất hoạt động của doanh nghiệp.

Dù đã khá khởi sắc trong những tháng đầu năm 2022, nhưng thời điểm này, tình hình sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty May 10 bắt đầu bước gặp nhiều khó khăn khi lượng đơn hàng mới có chỉ đủ để hoạt động cầm chừng đến hết tháng 10, còn từ tháng 11 trở đi, lượng đơn hàng bị thiếu khoảng 30 đến 35%.

Đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết, một số đơn vị còn bị ép giá xuống giảm xuống 20-30%, điều này bắt buộc DN phải tính toán, nhận hàng làm để duy trì nguồn lao động, ổn định sản xuất. Nguyên nhân được May 10 chỉ ra, chủ yếu do lạm phát ở nhiều nước tăng cao dẫn đến cầu tiêu dùng giảm, các nhãn hàng lớn đang phải đối diện với lượng hàng tồn kho lớn.

Tình hình cũng không khả quan mấy với May Hưng Yên khi lượng đơn hàng phục vụ sản xuất cũng không dồi dào như nhiều năm trước. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, càng về cuối năm, các DN dệt may càng rơi vào cảnh “khát” đơn hàng.

Tương tự, nhiều DN xuất khẩu dệt may cho hay, trước đây có thể nhận đơn hàng trước từ 5-6 tháng, nhưng với biến động thị trường hiện nay, DN chỉ có thể nhận đơn hàng trước từ 2-3 tháng.

Theo SSI, việc giảm sút đơn hàng sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đối với DN có khách hàng chủ yếu ở Hoa Kỳ và châu Âu, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn.

Không chỉ lạm phát, những biến động về giá nguyên, nhiên liệu cũng đang gây khó cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, thời điểm cuối năm còn có những biến động khó dự báo, đặc biệt là sự bất ổn địa chính trị Nga - Ukraine, sự biến động về giá của nguyên, nhiên liệu...

Để khắc phục những khó khăn, hiện các DN đang tìm biện pháp đa dạng hoá từ nguồn cung đến thị trường xuất khẩu. Bởi, khi chủ động nguồn nguyên phụ liệu, sản xuất xanh, ngành dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Về giải pháp tổng thể mang tính chiến lược lâu dài, theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may (Vitas) Trương Văn Cẩm, “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” cần sớm được phê duyệt để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư vào khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các Hiệp định Thương mại tự do.

Bên cạnh đó, theo đại diện Vitas, ngành dệt may cần xây dựng liên kết chuỗi của ngành công nghiệp dệt may trong khu vực, đặc biệt là liên kết chuỗi với các nước trong khối cộng đồng những hiệp định thương mại mà VN mới ký với các nước; liên kết chuỗi nội khối trong Việt Nam và nội khối các nước ASEAN...

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học - công nghệ, đưa một số giải pháp tự động hóa, đặc biệt là tự động hóa cho ngành kéo sợi, ngành dệt, nhuộm và quản trị ngành may.

M. Phương