'Làm sạch' thị trường trái phiếu doanh nghiệp

H.Hương – Y.Thanh 25/10/2022 07:59

Tăng cường công tác giám sát thị trường, hoàn thiện cơ sở pháp lý với những quy định thúc đẩy sự minh bạch, tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ là những yếu tố giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp đưa ra nhằm làm minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Siết chặt hơn

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành trái phiếu ra quốc tế của CTCP Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 20 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.499 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 389 đợt phát hành riêng lẻ xấp xỉ 233.692 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cho thấy, sau một thời gian phát triển nóng, thị trường TPDN đã hạ nhiệt trước một loạt động thái của cơ quan chức năng nhằm mục tiêu làm cho thị trường này trở nên minh bạch và an toàn.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký 16/09/2022 đã bổ sung một số quy định về hồ sơ, phương án phát hành và chế độ công bố thông tin, báo cáo, để tăng cường tính minh bạch và hạn chế nguy cơ xảy ra “rủi ro” trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN nhằm tăng cường “kiểm soát”, quản lý chặt chẽ ngay từ “đầu vào” là khâu phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN.

Trong đó, có các quy định rất chặt chẽ như yêu cầu “DN phải nêu cụ thể mục đích phát hành trái phiếu”, chứ không được ghi chung chung như trước đây là “phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cho DN”; hoặc yêu cầu phải “được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận” thì mới được phát hành trái phiếu doanh nghiệp….

Các quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư hiện tại, tránh trường hợp DN “pha loãng” giá trị trái phiếu (tương tự trường hợp phát hành thêm cổ phiếu dẫn đến “pha loãng” giá trị cổ phiếu).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM đánh giá, các quy định bổ sung đã kiểm soát chặt hơn hoạt động phát hành TPDN nhằm mục đích đảm bảo năng lực của DN phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Mặt tích cực của quy định này là buộc các DN phải nỗ lực nâng cao năng lực của mình để đạt các tiêu chuẩn “rất chặt chẽ” của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP mới đủ điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ. Điều này tốt cho cả thị trường trái phiếu, cho cả chính DN phát hành trái phiếu và nhà đầu tư trái phiếu.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho rằng, thị trường quan trọng nhất là tính minh bạch, nghị định này đã bổ sung cơ chế chính sách để nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch và tính tự chịu trách nhiệm trong việc tham gia thị trường đối với tất cả chủ thể tham gia thị trường (bao gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, tổ chức trung gian và cơ quan quản lý) trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng lưu ký cũng như giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ trên thị trường trong thời gian tới.

Năm 2023 thị trường trái phiếu lại sôi động?

Theo Nghị định 65, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đảm bảo có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, những tiêu chí này sẽ khiến số lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường giảm mạnh, có thể dẫn đến sự sụt giảm của doanh số phát hành trên thị trường TPDN thời gian tới. TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, đối chiếu với các thông lệ quốc tế thì các quy định trong Nghị định 65 được đánh giá là tương đồng, đặc biệt là quy định đối với khu vực nhà đầu tư cá nhân.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, các yêu cầu đối với nhà đầu tư trong khu vực phát hành trái phiếu riêng lẻ này càng chặt chẽ càng tốt, quy định như vậy là phù hợp thông lệ quốc tế. Cũng theo vị chuyên gia, trong việc sửa đổi Nghị định 153, ông đánh giá cao nhất là quy định xếp hạng tín nhiệm. Quy định này tại Nghị định 65 vừa áp dụng thông lệ quốc tế, đồng thời có xem xét để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là quy định có tầm nhìn dài hạn cho một thị trường trái phiếu ổn định trong tương lai. “Một trong những định chế trung gian quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất cả về thông tin cũng như tính minh bạch, chuẩn xác là xếp hạng tín nhiệm. Chúng ta vững tin rằng, nếu các DN của Việt Nam được xếp hạng hàng năm, được theo dõi các thông tin tài chính... thì đây là nền tảng để phát triển thị trường TPDN tốt nhất” – ông Nghĩa nói.

Trong khi đó theo FiinGroup, sang năm 2023, thị trường TPDN sẽ có những thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng, sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô, nhất là từ các DN có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường.

H.Hương – Y.Thanh