Gần 30 cuộc thanh tra chưa có kết luận, trách nhiệm thuộc về ai?

Mai Loan 25/10/2022 15:02

Còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với lại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận.

Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, cần xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. Nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương. Thực tế thời gian qua có một số địa phương quy định không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành đối với các doanh nghiệp và được doanh nghiệp đánh giá cao để thời gian cho sản xuất kinh doanh.

Tại Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra, theo bà Thúy nếu hết thời hạn quy định mà vẫn chưa ban hành kết luận thanh tra thì sao? trong khi đó chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với lại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm so với kế hoạch thanh tra bước đầu mà không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai? và đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra. Cho nên cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.

ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, xử lý chồng chéo trong thanh tra là vấn đề cần thiết, làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị thanh tra. “Vì thực tiễn những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra vào, thì các đối tác kỳ hợp đồng rất dè dặt và khó khăn. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào chất lượng của các đoàn thanh tra, các cấp thanh tra. Nếu quy định như vậy không khéo thì sẽ trở thành cấp “bảo lãnh” cho các đơn vị đó”-ông Hạ bày tỏ.

ĐB Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cũng nói, khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện. Tuy nhiên luật vẫn chưa quy định rõ cơ chế xử lý chồng chéo nếu hai cơ quan không thống nhất được với nhau thì sẽ xử lý ra sao?. Do đó, cần nghiên cứu, làm rõ thêm nội dung này.

“Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 53 cũng quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở. Tuy nhiên, các quy định này cũng chưa thật sự tường minh. Do đó cần quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa thanh tra Bộ và thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và các cơ quan thanh tra”-ông Mạnh nói.

Mai Loan