Lực đẩy từ các chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thùy Hương 25/10/2022 18:27

Tỉnh Kon Tum có khoảng 313.400 người dân là đồng bào DTTS, chiếm 55,1% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, với nhiều chương trình, dự án đã giúp đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đã giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TH
Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đã giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TH

Theo đó, bằng các nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng với các nguồn hỗ trợ, đầu tư từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng ở các vùng đồng bào DTTS đã được đầu tư đồng bộ, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS và tạo lực đẩy cho kinh tế - xã hội phát triển, góp phần quan trọng làm thay đổi toàn diện đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Trong gần 10 năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và một số chương trình khác, đã có 272 công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học…được đầu tư xây dựng tại các huyện nghèo; xây mới 714 công trình và duy tu 430 công trình cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho khoảng 24.235 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Triển khai 12 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; tổ chức tư vấn cho 1.963 người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tư vấn cho lao động sau khi về nước tại địa phương…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tập trung ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư bê tông hóa đường nông thôn. Đến nay, đã có trên 1.000 km đường giao thông nông thôn, 80 công trình thủy lợi được xây dựng và sửa chữa, 30 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, 190 trường học được xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp; 340 nhà văn hóa thôn, 298 khu thể thao thôn, 27 nhà văn hóa xã đã được xây dựng.

Chương trình cũng đã hỗ trợ xây 1.405 căn nhà, sửa chữa 503 căn nhà cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công. Đồng thời, tỉnh và các địa phương cũng đã tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại khu dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng các làng du lịch cộng đồng, khu vực biên giới, các cụm công nghiệp, dịch vụ cho phù hợp. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng được hoàn thiện.

Nhiều nét văn hóa của đồng bào DTTS đang được giữ gìn, phát huy.
Nhiều nét văn hóa của đồng bào DTTS đang được giữ gìn, phát huy.

Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách khác như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất…cũng được các ngành, địa phương triển khai tích cực.

Nhờ đó, kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện, đời sống của đồng bào DTTS và người dân ở các xã nghèo, huyện nghèo được nâng lên.

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, từ năm 2015-2021, toàn tỉnh có tổng số 29.174 hộ DTTS thoát nghèo, bình quân giảm 6,78%/năm. Ngoài ra, từ năm 2015-2021, có 14.087 hộ thoát cận nghèo và hiện toàn tỉnh còn 7.876 hộ cận nghèo chiếm 5,49% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Song song với việc phát triển kinh tế; đời sống văn hóa của các DTTS được quan tâm; tự do tín ngưỡng được đảm bảo; giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào DTTS được chú trọng và có sự chuyển biến tích cực. Các chương trình an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị xã hội ổn định.

Từ lực đẩy của các chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS những năm qua, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS của Kon Tum có nhiều đổi thay tích cực. Đây là cơ sở để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào các DTTS.

Thùy Hương