Covid-19 'cản trở' chiến dịch phòng bệnh sởi
Theo Tổ chức Y tế thế giới(WHO), đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các chiến dịch tiêm vaccine sởi trên toàn cầu vào năm 2020 và 2021, khiến hàng triệu trẻ em không được bảo vệ trước căn bệnh này, đáng lo ngại là các biến chứng bao gồm mù lòa, viêm phổi và tử vong.
Thiếu nguồn lực
Hàng chục bà mẹ và trẻ sơ sinh đã dầm mưa hàng tiếng đồng hồ để đến được phòng tiêm chủng ở miền Tây Gambia và xếp hàng dài trong sân ngập nước của Bệnh viện Bundung chờ tới lượt. Tuy nhiên sau đó, bệnh viện thông báo đã hết vaccine phòng bệnh sởi và không rõ khi nào sẽ có trở lại.
Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các chiến dịch tiêm vaccine sởi trên toàn cầu vào năm 2020 và 2021, khiến hàng triệu trẻ em không được bảo vệ trước một trong những căn bệnh dễ lây lan nhất thế giới.
Theo WHO, trong khoảng thời gian trên, 26 đợt bùng phát bệnh sởi đã diễn ra trên toàn thế giới. Trong đó, một đợt bùng phát kinh hoàng ở Zimbabwe đã khiến 700 trẻ em tử vong.
Tiến sĩ Deblina Datta, người đứng đầu nỗ lực loại trừ bệnh sởi toàn cầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng nhiều như hiện nay. Tôi đã đứng bên giường của những đứa trẻ chết vì bệnh sởi, đó là một điều gây sốc vì đây là một bệnh dịch có thể phòng tránh được".
Đã có hơn 45.000 trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo ở châu Phi trong năm nay, giết chết hơn 2.300 người. Con số này nhiều gấp đôi số ca mắc vào thời điểm này năm ngoái, khi một số biện pháp giãn cách xã hội kéo dài có thể làm chậm quá trình lây nhiễm.
WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, họ đã phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức và gây quỹ vào năm 2020 để bù đắp những lỗ hổng trong việc tiêm chủng do đại dịch gây ra, đặc biệt là ở các nước thu nhập trung bình, nhưng hầu như không huy động được tài chính.
Lý giải cho điều này, cả WHO và UNICEF cho rằng, Covid-19, xung đột ở Ukraine, tình trạng thiếu lương thực và lạm phát đã “bóp chết” các khoản quyên góp từ các quốc gia giàu có. Sự thiếu hụt kinh phí ước tính đối với bệnh sởi trên toàn cầu ít nhất là 255 triệu USD.
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Bundung ở Gambia cho biết, tình trạng thiếu vaccine sởi chỉ là là tạm thời, đó là kết quả của sự gia tăng nhu cầu chủng ngừa thông thường sau cuộc đình công của nhân viên y tế vào tháng 7. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy độ bấp bênh của hệ thống y tế thiếu tài chính ở các quốc gia nghèo đã phải chi trả quá mức cho Covid-19.
Sự chủ quan
Bệnh sởi thường gây sốt cao, ho và phát ban. Ở phụ nữ mang thai, nó làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non. Loại virus này đã giết chết khoảng 2 triệu trẻ em mỗi năm trước khi có vaccine vào những năm 1960. Ở các nước nghèo, nơi trẻ em thường có hệ thống miễn dịch kém hơn do suy dinh dưỡng hoặc các bệnh nhiễm trùng khác không được điều trị, nó có thể giết chết tới 10% những người bị lây nhiễm. Đặc biệt, bệnh rất dễ lây lan, 1 bệnh nhân sởi có khả năng lây bệnh cho từ 12 đến 18 người khác.
Vào năm 2019, các ca bệnh trên toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong 23 năm, giết chết 200.000 người, bao gồm cả ở những quốc gia đã loại trừ căn bệnh này trước đó. Congo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 6.000 người chết.
Theo ước tính của WHO, vào thời điểm đó, 86% trẻ em trên toàn thế giới đã được tiêm ít nhất liều vaccine sởi đầu tiên. Đến năm 2021, khi 25 triệu trẻ em trên khắp thế giới bỏ lỡ liều thuốc đầu tiên, tỷ lệ tiêm phòng sởi chỉ đạt 81%, con số thấp nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó ở châu Phi, con số này chỉ là 68%.
Các chuyên gia y tế cho biết, trong những năm qua, sự thành công của vaccine sởi đã làm giảm đáng kể số người tử vong do căn bệnh này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều cộng đồng ở các quốc gia nơi bệnh sởi đã được loại trừ từ lâu, trong đó có cả Mỹ và châu Âu, hiện chọn không tiêm chủng cho trẻ em.
Đi tìm nguồn lực vaccine
CDC Mỹ đã xác định, 12 quốc gia châu Phi không có kế hoạch rõ ràng hoặc nguồn lực đảm bảo cho đợt tiêm chủng vaccine sởi tiếp theo. Ông Jalaa' Abdelwahab, trưởng nhóm vaccine của CDC Mỹ cho biết, một số quốc gia nghèo nhất thế giới phải xin trợ giúp từ các đối tác quốc tế, chủ yếu là từ Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng Gavi.
Gavi khẳng định, họ nhận thức được tính cấp thiết và đang tìm cách theo dõi nhanh các đơn đăng ký cho các chiến dịch, tuy nhiên, quá trình này có thể mất hơn một năm để lập kế hoạch và phê duyệt.
Ông Abdelwahab cho biết, Gavi đã thực hiện điều này ở Afghanistan, nơi các ca bệnh đang tăng đột biến. Một chiến dịch tiếp theo ở Zimbabwe cũng đã được đẩy mạnh và một số chiến dịch đã được chấp thuận ở các nước châu Phi khác trong những tháng gần đây. Gavi dự kiến sẽ hỗ trợ các chiến dịch ở 23 quốc gia vào giữa năm 2023.
Cả WHO và UNICEF đều cho rằng, Covid-19, xung đột ở Ukraine, tình trạng thiếu lương thực và lạm phát đã “bóp chết” các khoản quyên góp từ các quốc gia giàu có. Sự thiếu hụt kinh phí ước tính đối với bệnh sởi trên toàn cầu ít nhất là 255 triệu USD.