Nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn uống
Thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở không ít người. Đáng nói, khi đã nhiễm ký sinh trùng, dù điều trị khỏi nhưng vẫn có khả năng mắc lại.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) cho biết, bệnh nhân N.T.H. (sinh năm 1948, tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tới cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe do có cảm giác khó chịu bứt rứt trong người dù hàng ngày bà vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường.
Khai thác sâu hơn, các bác sĩ phát hiện cách đây vài năm bệnh nhân thường ăn rau sống, tiết canh lợn. Chỉ từ ngày có dịch bệnh của lợn bà mới không ăn tiết canh nữa.
Các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân thực hiện chụp X- quang thường quy. Kết quả phát hiện thấy hình ảnh nhiều kén sán hình dạng kích cỡ như hạt gạo nằm rải rác trong các mô, cơ trên phim trường vùng ngực, khi kiểm tra thêm vùng bụng, hai chi dưới phát hiện thấy rất nhiều kén sán mật độ dày toàn bộ cơ thể. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. bị nhiễm kén sán dây lợn. Những nang kén này có thể đã tồn tại trong cơ thể người bệnh từ 5 đến 7 năm.
PGS. Đỗ Trường Sơn - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, hiện khoa đang điều trị cho 3 bệnh nhân nữ, có kết quả xét nghiệm dương tính với ký sinh trùng giun đũa chó mèo và giun lươn.
Thông tin về trường hợp mắc giun lươn các bác sĩ cho biết, trước khi đến viện, người bệnh thường xuyên đau ở vùng hạ sườn phải, có tiền sử tăng huyết áp đã điều trị nhiều năm. Lo sợ mình bị ung thư nên bệnh nhân đến Bệnh viện E thăm khám.
Tại Bệnh viện E, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với giun lươn, các xét nghiệm về ung thư đều bình thường, có men gan cao.
Các bác sĩ cho biết, trường hợp của bệnh nhân này nguyên nhân nhiễm bệnh có thể là do trong quá trình nhặt rau bị ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể qua vết xước măng rô ở ngón tay mà rau đó có chứa ấu trùng.
Trước đó một thời gian bệnh nhân rất ngứa ở ngón tay cái và vị trí gần cổ tay, sau đó lại hết ngứa nên không để ý, không đi khám.
Cũng về nhiễm ký sinh trùng, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận trường hợp bệnh nhân N.T. (ở Hà Tĩnh) trước đó khỏe mạnh nhưng bỗng nhiên bị liệt nửa người. Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI, phát hiện một nửa bán cầu não có rất nhiều khối u. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai và ký sinh ở trong não, chính giun này gây nên những khối u bên trong và dẫn tới bị liệt. Điều này do bệnh nhân thường ăn các loại gỏi thủy hải sản.
Bác sĩ Nguyễn Viết Nguyệt - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt cho rằng, nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng chủ yếu là do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Thực tế, những bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng hầu hết đều do ăn thịt lợn, nội tạng, chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán (lợn gạo), các món nem chua, nem thính hoặc ăn phải thực phẩm có nhiễm trứng sán như rau sống, đặc biệt là món tiết canh… Do vậy, để phòng bệnh việc đầu tiên phải làm là ăn chín, uống sôi. Ngoài ra cần uống thuốc tẩy giun định kỳ, khi lao động cần phải có đồ bảo hộ vì có ký sinh trùng lây nhiễm qua da. Khi thấy các biểu hiện như xanh xao, sút cân, mệt mỏi cần đi khám để loại trừ khả năng mắc ký sinh trùng. Không ăn rau sống, thịt lợn, gan lợn, trâu, bò chưa nấu chín và các thực phẩm khác như thịt lợn tái, gan tái, thịt trâu bò tái… đặc biệt là tiết canh. Đồng thời, mọi người cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đảm bảo thoáng mát.