Công nghiệp xuất bản: Bây giờ hay bao giờ?

PHƯƠNG MAI 08/11/2022 07:56

Ngành xuất bản Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trước yêu cầu sớm trở thành một ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, trong giai đoạn mới, hoạt động xuất bản phải xác định thực hiện tốt kinh tế xuất bản, kịp thời thích ứng, chuyển đổi, lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp với xu hướng chung của thị trường, là ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, phát triển vững chắc, toàn diện, hiệu quả.

Trong 6 năm, Đường sách Nguyễn Văn Bình ở TPHCM đã đón khoảng 14 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 226 tỷ đồng.

Tạo tiền đề quan trọng

Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT) cho thấy, đến năm 2021, toàn ngành xuất bản đạt trên 40.000 đầu xuất bản phẩm, trong đó có trên 32.000 đầu sách, trên 460 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó có 390 triệu đầu sách (tăng trên 1,5 lần so với năm 2001). Hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định. Nhiều nhà xuất bản (NXB) đã và đang có những bước đi thích hợp tạo sự đổi mới căn bản trong hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. 3 năm trở lại đây, thị trường sách điện tử đã khởi sắc, thể hiện ở số liệu sách điện tử nộp lưu chiểu theo thống kê năm 2020 là 2.000 xuất bản phẩm, năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm và 6 tháng đầu năm 2022 là 1.142 xuất bản phẩm...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Alpha Nguyễn Cảnh Bình cho rằng, từng đơn vị xuất bản - nhân tố quan trọng trong công nghiệp xuất bản phải tự vạch hướng phát triển cho giai đoạn 10-15 năm. Ông Bình đề xuất hình thành liên minh hoặc tập đoàn xuất bản như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới; gắn ngành Xuất bản, in và phát hành với sự phát triển của các ngành khác để phát triển xuất bản. Mặt khác, ông Bình cũng cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành là con người. Đây là một trở ngại của xuất bản nội dung có chất lượng cao. Thị trường nhỏ, doanh số thấp không thể thu hút được nhân lực, không có nhân lực giỏi, không thể làm được những dự án nổi bật. Do đó, cần có sự đột phá cho lĩnh vực này để thu hút nhân tài.

Cùng với những thành tựu đạt được, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT) cho rằng, thời điểm này khởi động một nền công nghiệp xuất bản đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho ngành xuất bản. “Bản chất ngành công nghiệp là hoạt động kinh tế quy mô lớn, sản phẩm tạo ra trở thành hàng hóa. Muốn trở thành ngành công nghiệp trong chiến lược chung về phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã được Đảng khẳng định, xuất bản cần phát triển quy mô trên nền tảng ứng dụng công nghệ và khai thác nội dung sách, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế hoạt động xuất bản”, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Thời gian qua, một số hướng đi mới đang được Cục Xuất bản, In và Phát hành chú trọng đến là triển khai phát triển thị trường mới. Đầu tiên là phát triển thị trường sách tinh gọn; thứ hai là mở rộng thị trường in, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thứ ba là phát triển lĩnh vực phát hành nội địa đáp ứng nhu cầu đọc sách ngoại văn.

Với phát triển thị trường sách ngoại văn, ông Nguyên cho biết: Việc tạo ra một cánh cửa để bạn đọc tiếp cận với nguồn tri thức thế giới là cần thiết. Ngoài việc mua bản thảo, tổ chức dịch thuật, xuất bản tác phẩm trong nước, vẫn còn một giải pháp nữa là nhập khẩu sách ngoại văn. Hiện nay, 23 doanh nghiệp nhập khẩu xuất bản phẩm mới chủ yếu quan tâm đến thị trường nhập khẩu kinh doanh phục vụ nhu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Những nhu cầu cá thể đang được thực hiện qua kênh nhập khẩu không kinh doanh qua hệ thống các sở thông tin và truyền thông, chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.

Tuy nhiên kênh này cũng có nhiều hạn chế do quy trình phức tạp đối với người có nhu cầu nhập, gây áp lực quá lớn lên các cơ quan quản lý phân cấp làm thủ tục nhập khẩu, khi hầu hết cơ quan tinh giảm biên chế, nhân lực rất thiếu. Đó là chưa kể một số tổ chức, cá nhân lợi dụng kênh này để trốn thuế, phí… Nhưng đây sẽ là một thị trường rất lớn và tiềm năng, là một hướng đi hoàn toàn mới của ngành.

Ông Nguyễn Nguyên kỳ vọng, Việt Nam đang có thị trường xuất bản của gần 100 triệu dân. Một nền kinh tế mở với quan hệ thương mại rộng khắp nhiều khu vực, quốc gia. Chúng ta cũng là một quốc gia ghi nhận đi đầu ứng dụng các công nghệ truyền thông, đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đó là những tiền đề quan trọng để phát triển xuất bản thành ngành công nghiệp.

Văn hóa đọc phải được phát triển rộng đến toàn dân. Ảnh: Xuân Ngân.

Lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp

Dù vậy, để khởi động công nghiệp xuất bản, đang có rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi ngành xuất bản phải “làm mới”. Vừa qua, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành Sách Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu: Mỗi tác phẩm khi xuất bản, phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất; không chỉ cung cấp tri thức mà còn cổ vũ, khuyến khích bảo vệ cái tốt, hướng con người tới chân, thiện, mỹ; phê bình những thói hư tật xấu, lối sống tiêu cực, khơi dậy khát vọng, củng cố niềm tin, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho bạn đọc. Đồng thời, mỗi NXB phải là “bộ lọc” để chọn được những tác phẩm có giá trị đích thực; dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, lệch lạc về tư tưởng, văn hóa không phù hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đặc biệt, trong giai đoạn mới, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu hoạt động xuất bản phải xác định thực hiện tốt kinh tế xuất bản, kịp thời thích ứng, chuyển đổi, lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp với xu hướng chung của thị trường, là ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, phát triển vững chắc, toàn diện, hiệu quả.

Có rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi ngành xuất bản phải thực hiện một cuộc “đại phẫu” nhằm tiến tới xây dựng một ngành công nghiệp xuất bản. Những câu hỏi đặt ra như: Cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ của 57 NXB trên toàn quốc đã đáp ứng đủ tiêu chí hiện đại và đa dạng hình thức xuất bản phẩm chưa? Ước tính trong 2.300 cơ sở in ở Việt Nam thì tỷ lệ công ty có chức năng in văn hóa phẩm (khác với các công ty in bao bì) nhập máy móc hiện đại với công nghệ tiên tiến chiếm bao nhiêu phần trăm? Và trong hơn 2.000 doanh nghiệp phát hành, chúng ta xác định được bao nhiêu đơn vị bên cạnh chức năng phân phối và phát hành, còn dư địa về nguồn vốn, năng lực đầu tư khai thác tác quyền để có thể phụ trợ và làm phong phú thêm nhiều đầu sách? Và vấn đề nhân lực được chuẩn bị ra sao? Làm sao cho nguồn nhân lực này bước vào dây chuyền công nghiệp, tức là sử dụng phương thức mới và công nghệ tiên tiến, nhưng vẫn tạo ra được những giá trị hiện đại hoặc bảo lưu giá trị truyền thống, cốt lõi trong các sản phẩm sách giấy, sách điện tử, sách nói…? Và sẽ khó hình thành ngành công nghiệp xuất bản hiện đại nếu chưa có những cơ chế, những tư duy quản lý mới. Cùng với đó là việc khơi thông các điểm nghẽn lâu nay của ngành.

Còn nhiều hạn chế

Muốn hình thành một nền công nghiệp xuất bản, nhiều ý kiến cho rằng phải gỡ những rào cản mới có thể thúc đẩy sự phát triển. Ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật thẳng thắn nêu thực trạng: Hoạt động xuất bản chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới.

Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý, chưa có nhiều cuốn sách có giá trị cao, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội. Công nghiệp xuất bản với tư cách là một bộ phận của công nghiệp văn hóa chưa phát triển đúng tầm tiềm lực của các NXB còn hạn chế. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh còn có độ vênh nhất định. Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập, việc ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong điều kiện cách mạng Công nghiệp 4.0 chưa đồng bộ…

Cũng có ý kiến cho rằng: Khuynh hướng thương mại hóa đã và đang diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Tình trạng in và phát hành sách lậu diễn ra ở nhiều loại sách, gây thiệt hại cho tác giả, cho các NXB và cho xã hội cả trên phương diện văn hóa, chính trị, tư tưởng và kinh tế. Bộ máy quản lý nhà nước các cấp còn những bất cập, chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả chính trị - xã hội. Công tác quản lý còn bị buông lỏng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chậm, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa có tác dụng răn đe.

Từng đơn vị phải tự vạch hướng phát triển

Mục tiêu của ngành Xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn mới là thực sự trở thành một bộ phận quan trọng, tạo đột phá cho ngành công nghiệp văn hóa, với việc duy trì tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt 4,5-5%; tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản vào năm 2025; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15% vào năm 2025; đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á; xuất bản nhiều đầu sách hay, giá trị, đúng định hướng với số lượng lớn (trên 100.000 bản). Thứ hai là duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 5-5,5%; đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có ngành công nghiệp in phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Thứ ba là duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 4-5%; phấn đấu đến năm 2025, phát hành 500 triệu bản sách, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng. Muốn vậy, hoạt động xuất bản phải có sự chuyển mình nhiều chiều.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Alpha Nguyễn Cảnh Bình cho rằng, từng đơn vị xuất bản - nhân tố quan trọng trong công nghiệp xuất bản phải tự vạch hướng phát triển cho giai đoạn 10-15 năm. Ông Bình đề xuất hình thành liên minh hoặc tập đoàn xuất bản như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới; gắn ngành Xuất bản, in và phát hành với sự phát triển của các ngành khác để phát triển xuất bản.

Mặt khác, ông Bình cũng cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành là con người. Đây là một trở ngại của xuất bản nội dung có chất lượng cao. Thị trường nhỏ, doanh số thấp không thể thu hút được nhân lực, không có nhân lực giỏi, không thể làm được những dự án nổi bật. Do đó, cần có sự đột phá cho lĩnh vực này để thu hút nhân tài.

Từ góc nhìn thị trường, theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP HCM Lê Hoàng: Hoạt động đường sách, phố sách không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển, lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng, mà còn kích thích mọi người tiêu thụ sách và những sản phẩm liên quan đến sách. Trong 6 năm qua, đường sách TPHCM đã đón khoảng 14 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 226 tỷ đồng, với hơn 4,2 triệu cuốn sách bán ra, 61.000 tựa sách mới và tổ chức gần 1.500 sự kiện. Ông Lê Hoàng cũng mong muốn mô hình đường sách sẽ được nhân rộng trên cả nước để tạo thêm được nhiều không gian bổ ích phát triển văn hóa đọc sâu rộng đến toàn dân.

Cụ thể hơn nữa, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công ty sách Thái Hà đề nghị: Chúng ta cần sớm có quỹ dịch thuật và quỹ khuyến đọc. Muốn bán được sách không thể không khuyến đọc. Muốn sách Việt Nam được quảng bá ra nước ngoài không thể vắng quỹ dịch thuật. Cần làm càng sớm càng tốt. Hiện nay các đơn vị xuất bản tư nhân đang tham gia mạnh và chủ động vào chuyển đổi số, kinh tế số nhưng vẫn là số ít. Phần lớn các NXB hình như vẫn thờ ơ, ít quan tâm đến ebook, sách nói, podcast, print ondemand, self publishing. Nếu chúng ta làm một chiến dịch lớn sẽ hiệu quả…

Về phía cơ quan quản lý, theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, phải hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cho ngành; đẩy mạnh liên kết giữa NXB với cơ sở phát hành xuất bản phẩm mạnh, hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu xuất bản hiện đại.

Ông Trần Chí Đạt - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Thông tin và Truyền thông: Xuất bản cần thích ứng trong chuyển đổi số

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết các NXB, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. Nghĩa là tương thích và phù hợp với mọi chủng loại thiết bị, kích thước màn hình, nền tảng công nghệ thiết kế ra thiết bị và phần mềm điều khiển thiết bị đó.

Hiện nay, các loại hình sách mới như: ebook, audiobook, video book đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt khác như học sinh các cấp học, người khiếm thị... Các hệ thống marketing, bán hàng tự động và bán tự động với trí tuệ nhân tạo như Chatbot, tự động gửi thông tin marketing qua email, mạng xã hội theo sở thích, thói quen và nhu cầu riêng của từng khách hàng đang xuất hiện ngày một nhiều. Quy trình quản lý, quản trị hoạt động xuất bản cũng được thay đổi dựa trên ứng dụng công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý các nội dung mà trước đây chỉ dành cho lao động trí tuệ cao như khâu biên tập, cũng đã được một số nhà xuất bản thực hiện.

Chuyển đổi số giúp công tác biên tập trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Nhiều khâu công việc hiện nay thuộc về biên tập viên có thể sẽ được đảm nhiệm bởi hệ thống máy móc tự động hay những robot thông minh. Hệ thống máy móc có thể được lập trình để rà soát các lỗi morat, thậm chí là biên tập bản thảo... Công tác biên tập cũng trở nên chuyên nghiệp hóa hơn khi biên tập viên có được nhiều nguồn thông tin để kiểm định, kiểm chứng và hệ thống thông tin được hệ thống hóa, giúp nhà xuất bản kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát nhanh và triệt để được những nội dung nhạy cảm nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ. Một số nhà xuất bản, công ty sách đang chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử cũng là một minh chứng sinh động và rõ rệt nhất cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Bạn đọc chỉ cần sử dụng các thiết bị số cá nhân nhỏ gọn như điện thoại thông minh, máy tính bảng là có thể lưu trữ và đọc hàng nghìn cuốn sách ở dạng số. Việc phát hành các sách này cũng trở nên thuận tiện và nhanh chóng.

TS Vũ Thùy Dương - Trưởng Khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Đòi hỏi đội ngũ nhân lực chất lượng cao

Bối cảnh của ngành công nghiệp xuất bản tác động đến công tác đào tạo nguồn nhân lực xuất bản. Từ cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất bản, đặc biệt là thị trường phát hành sách truyền thống, dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM. Các đơn vị phát hành sách lớn như: FAHASA, Phương Nam, Nhân văn, Tiền phong, Tân Việt, Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình..., các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Anphabooks, Đông A, Nhã Nam, Thái Hà, Đinh Tị... doanh thu giảm khoảng 30 - 40%. Năm 2021, có 10 đơn vị có tổng doanh thu giảm từ 10% đến cao nhất là 39,16%...

Tuy nhiên, do Covid-19, việc nhiều bạn đọc tìm lựa chọn mua sách qua mạng giúp kênh phát hành sách online tăng trưởng đột biến. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), trong tháng 2/2020, doanh thu tăng khoảng 20 - 30%. Cuối tháng 2/2020, lượng truy cập vượt trên 15.000, trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua account tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống sau khi xuất bản phiên bản điện tử và thí điểm bán lưu niệm, các vật phẩm văn hóa khác qua fan club có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới. Dù vậy, sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp.

Xuất bản điện tử hiện giữ vị trí chủ đạo của ngành công nghiệp xuất bản thế giới, ebook được xuất bản hằng năm tại Mỹ tăng gấp đôi và sách truyền thống thì suy giảm đáng kể. Tại Việt Nam, xu thế này cũng bắt đầu tác động mạnh mẽ, nhiều đơn vị xuất bản đã nhận thức được việc cần tham gia vào thị trường xuất bản điện tử. Tuy nhiên, mặc dù một số NXB đã cố gắng chủ động tích lũy, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng với nguồn lực hạn hẹp, rất khó có đủ điều kiện để phát triển theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa. Điều đó cho thấy quy trình xuất bản mới sẽ không triệt tiêu quy trình vốn có mà sẽ tồn tại song song trong một NXB. Điều này đòi hỏi mỗi NXB muốn tiếp tục phát triển, cần phải có một đội ngũ nhân sự có khả năng nắm bắt và triển khai được cả những nghiệp vụ mới và cũ phù hợp với sự dịch chuyển này.

PHƯƠNG MAI