Dương Tường, 24 phím cầm chiều
Dương Tường tự nhận ông là vạch nối thế hệ. Ông chơi với rất nhiều người, từ văn - họa - nhạc, về tuổi tác. Bạn từ ông Nguyễn Tuân đến những người trẻ bây giờ… Ông còn là vạch nối các ngành văn học nghệ thuật. Văn cũng thích, họa cũng thích, nhạc cũng thích.
Nhớ hồi Gallery Mai có nhiều tranh đẹp của 5 họa sĩ mà tôi thích. Nhóm “Gang of Five”, cái tên do Dương Tương dịch ra tiếng Anh, gồm Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, và Phạm Quang Vinh. (Những họa sĩ được nhìn nhận là sáng giá trong thế hệ của mình, nhóm nghệ sĩ Hậu Đổi mới đầu tiên được công chúng quốc tế quan tâm).
Cứ nghĩ đến họ, đến những bức tranh gây nhiều ấn tượng của họ là tôi lại nhớ đến Dương Tường. Tôi cho rằng ông ít nhiều cũng ảnh hưởng đến họ, khi đó họ là những họa sĩ rất trẻ, ông mến yêu họ như người ruột thịt trong nhà, họ thường xuyên lui tới nhà ông, được trò chuyện với ông…
Và ông là một nhà thơ, một dịch giả, một nhà văn hóa có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước. Sự tìm tòi, đổi mới không ngừng nghỉ của ông chắc chắn ít nhiều tác động đến họ. Tác động không chỉ với các họa sĩ mà đến cả các người viết trẻ…
Năm 35 tuổi, Dương Tường viết bài thơ “Tình khúc 24”:
24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư
Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuetto 24 âm xưa
Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau
Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương giăng 24 nẻo đi về
Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt
Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im khuya 24 mạy sao chìm
Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 serenade
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng góa
Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ tinh thơ
Riêng đêm em xòa bóng nốt ruồi
24 quầng
anh giữ.
Bài thơ ấy Dương Tường viết cho một người con gái. Vì sao lại là 24? Dương Tường từng giải thích, đó là vì người con gái ấy 24 tuổi.
Năm 1986, khi đó nhạc sĩ Phú Quang 37 tuổi, bắt gặp bài thơ “Tình khúc 24” của nhà thơ Dương Tường. Trùng nhịp cảm xúc, Phú Quang liền phổ nhạc…
Con số 24 trở thành tín hiệu của cảm xúc. Màu sắc, hình ảnh, thanh âm của tuổi trẻ, tình yêu đều hiện diện trong con số 24.
Là người vào nghề muộn, khi đã đi qua một quãng đường dài vất vả khó nhọc mà không ngồi mòn ghế nhà trường, tôi chọn cách bổ sung kiến thức cho mình bằng cách làm học trò của những người thông minh, tài hoa. Tôi rất chăm lui đến, nhiều khi còn tự tạo ra các buổi trò chuyện về thơ ca nhạc họa của những người như các ông. Tôi không chỉ trọng Dương Tường bởi kiến thức sâu rộng, thơ hay, dịch nhiều cuốn sách giá trị của thế giới, chinh phục nhiều thế hệ độc giả như: “Cuốn theo chiều gió”, “Cội rễ”, “Đồi gió hú”, “Bức thư của người đàn bà không quen”, “Kafka bên bờ biển”, “Con đường xứ Flandres”, “Lolita”, “Đi tìm thời gian đã mất”… mà còn là lối sống vô cùng thi sĩ của ông. Tôi biết nhiều về ông qua các câu chuyện của Lê Đạt, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh… Cái thời các ông rất khổ…
Dương Tường người nhỏ nhắn, ông sinh năm 1932, học tiểu học tại Nam Định, học trung học tại Hà Nội tới khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Ông bỏ học đi làm liên lạc cho Việt Minh tại Vĩnh Yên. Sau đó ông về đi học lại tại trường Phan Chu Trinh Hà Nội. Được vài tháng ông quay lại theo kháng chiến, làm tuyên truyền và gia nhập bộ đội năm 1949. Sáu năm sau ông về Hà Nội sinh sống. Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1960, Dương Tường là phóng viên Tổ Văn xã của Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Ông về hưu rất sớm, năm 1979, khi mới 47 tuổi. Sớm thế thì lương hưu cũng ít ỏi. Những năm 80 của thế kỷ trước là thời kỳ vô cùng khó khăn của đất nước. Đủ ăn đủ mặc đối với những người “thuận buồn xuôi gió” đã khó, mọi thứ phải mua bằng tem phiếu, thành phần thuộc công, nông, binh cũng chỉ kiếm được quanh quẩn với mấy bữa cơm là hết ngày hết buổi. Những trí thức như Dương Tường thì sách phải mua theo giấy giới thiệu. Muốn đọc phải vào thư viện. Các ông người nào người nấy tong teo. Đôi khi tôi còn nghĩ rằng cái thú để tóc dài của văn nghệ sĩ chính là bởi không có tiền cắt tóc. Chu Hoạch là một ví dụ. Thơ Chu Hoạch khá hay, nhưng ông không kiếm được việc làm, đành đầu quân vào công ty vệ sinh. Ngày ngày đi làm, tối đến vẫn mơ mộng làm thơ… Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Toàn, Dương Tường thì một phần nhờ sự đảm đang của vợ. Họ đều là những người tự học cả tiếng Anh, tiếng Pháp. Và đều là những người có vốn tiếng Việt rất sâu sắc. Dương Tường cũng tự học, đi bộ đội trong ba lô của ông luôn có quyển từ điển tiếng Anh. Ông từng kể: “Công được đồn, trong khi đồng đội đi thu dọn vũ khí thì tôi đi tìm sách…”.
Ban đầu, có lẽ do ham mê văn học, ông học để đọc được nguyên bản/ văn bản gốc của các cuốn sách nổi tiếng của các tác giả lớn trên thế giới. Và như những trí thức có tâm với quê hương giống nòi, ông không muốn hưởng cái hay một mình, muốn đem cái tốt đẹp, cái tinh hoa của nhân loại dịch ra, phổ biến cho càng nhiều người biết càng tốt.
Dĩ nhiên, cũng có thu nhập để tồn tại. Phạm Toàn từng nói, Dương Tường có một chút thuận lợi vì có nhiều bạn bè ngoại quốc, lại là phóng viên Thông tấn xã nên quen một số phóng viên nước ngoài. Rồi có thời Dương Tường làm ở Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh, những đoàn điều tra thường có luật sư đi cùng, họ thường mang sách đi đọc và khi về thì tặng lại cho Dương Tường, đó cũng là một nguồn để ông có sách…
Dương Tường còn đặc biệt ở chỗ ông thích chọn những việc khó, khó mấy cũng làm. Càng làm càng mê. Phạm Toàn kể, hồi đó không có máy photocopy, các ông ở nhà thì dùng máy tính, đến thư viện thì toàn viết tay. Vớ được giấy gì có thể viết là viết, vỏ bao thuốc lá, giấy đánh máy một mặt, giấy báo ố vàng đều là những dòng đầu tiên của một bản thảo. Có lần Dương Tường mượn cuốn “Phố của những cửa hiệu u tối” (Patrick Modiano) ở thư viện, đọc và ngồi dịch ngay trong thư viện. Đức tính ham học, đọc cùng nghị lực vượt khó, ham làm của ông luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong cánh đàn em chúng tôi…
Ông làm việc suốt ngày nhưng cũng dành nhiều thời gian cho bạn bè. Có khi ông cũng đi chơi đây đó cùng mọi người, người mà ông hay nhắc đến là nữ nhà văn xinh đẹp tài năng Đoàn Lê. Ông cũng đến một vài lần với Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc. Các nhà văn trẻ đều yêu quý ông, thích thơ của ông, thích sách dịch của ông và còn thích được ông trò chuyện và… được ông chiêu đãi.
Cái tính thảo hảo, phóng khoáng và trẻ trung của ông khiến những người trẻ thấy ông cũng rất trẻ, ông không có tuổi. Họ gọi ông là anh một cách rất tự nhiên, trong khi họ gọi chúng tôi, những người kém ông mươi tuổi là cô, chú xưng cháu. Họ bảo, được gần ông, trò chuyện với ông nghĩa là họ được học một bậc thầy không chỉ kiến thức uyên bác mà là một lối sống đạo đức, một tấm gương về bản lĩnh sống mà lại rất giản dị, dễ gần… Nhà ông là nơi nhiều người thích đến bởi sự thoải mái mà vợ và các con ông dành cho họ.
Tôi là người dốt ngoại ngữ, đọc và thấy những cuốn sách dịch của ông rất cuốn hút, nhưng đôi khi lại thấy người ta nói này nói nọ về bản dịch tôi thường hỏi Phạm Toàn. Phạm Toàn cười bảo: “Dương Tường là một dịch giả đáng nể của văn học dịch nước nhà đấy…”. Ai chứ Phạm Toàn nói thì tôi tin. Bởi Phạm Toàn cũng giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt và là người phát ngôn có trách nhiệm. Những người giỏi tiếng Nga cũng bảo rằng Dương Tường dịch tác phẩm Nga rất hay, thấm đẫm tinh thần Nga. Có dịch giả cho rằng bản dịch hay phải đạt được 3 điều tín, đạt, nhã. Tôi thích quan niệm của Dương Tường: "Một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả".
Bây giờ thì Dương Tường không còn nghèo nữa, nhưng “bệnh nghề nghiệp” và lòng yêu văn học, yêu con người, yêu cuộc sống vẫn khiến ông say mê với việc viết và dịch. Ông mới dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Anh (hồi tháng 4/2020). Một bản dịch ngược, là một thử thách vô cùng lớn. Khi được hỏi: Vì sao ông chọn một bản dịch ngược làm bản dịch cuối cùng?
Ông bảo: “Tôi tự coi việc này là việc liều lĩnh nhất của mình. Tôi dịch khi gần như không nhìn thấy gì nữa và dịch từ trí nhớ. Từ bé, một bà cô vẫn ru tôi ngủ bằng “Truyện Kiều”. Kiều là điều mà trong thời kỳ tráng niên tôi vẫn nghĩ mình không thể với tới. Nhưng đến lúc cả trí lực, thể lực, thị lực suy giảm thì tôi lại lao vào. Tôi tự coi đấy là một cử chỉ báo hiếu với tiếng mẹ đẻ. Sau Kiều, tôi nghĩ còn những ngày dài như thế này mình sẽ lập một thư mục để dịch chơi. Bài thơ nào hay, tôi thích thì tôi dịch…”
Dương Tường tự nhận ông là vạch nối thế hệ. Ông chơi với rất nhiều người, từ văn - họa - nhạc, về tuổi tác. Bạn từ ông Nguyễn Tuân đến những người trẻ bây giờ… Ông còn là vạch nối các ngành văn học nghệ thuật. Văn cũng thích, họa cũng thích, nhạc cũng thích. Vì thế nên ông yêu tất cả.
Có lẽ tình yêu của ông lớn như thế nên giời cũng cảm động, cho ông được dài lâu trong cõi này. Ông gày gò, nhỏ thấp hơn tất cả các bạn ông về vóc dáng, rồi mắt lòa, rồi mổ cột sống… vậy mà, trộm vía, ông vẫn khỏe, vẫn ngày ngày cà phê trò chuyện với những người trẻ và cần mẫn làm việc bên máy tính.