Chàng & nàng nói sao cho phải?

PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH 30/10/2022 10:31

Chàng và nàng là cách nói vui chỉ hai đối tượng làm nên một cặp uyên ương. Nhưng các cặp uyên ương kia nói năng, xưng hô như thế nào trong tiếng Việt là cả một “pho” từ điển sống động. Cách xưng hô của mọi đôi lứa trong từng hoàn cảnh phản ánh phần nào các cung bậc tình cảm của họ. Sẽ có người hỏi: Bây giờ giao tiếp xưng hô trong gia đình giới trẻ, nhất là giới trẻ Hà Nội có gì đặc biệt không?

Tranh: ST

Anh và em và... người ta

Chàng đi cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Đó là lời xưng gọi của chàng và nàng trong ca dao. Chứ ngày xưa, xưng hô của các cặp gia đình thường tùy theo từng vùng miền, từng gia cảnh. Có điều, họ ít xưng gọi là “anh - em” lắm. Họ có thể xưng tên và gọi “anh”, “em” và khi có con thì chuyển sang xưng “tôi” gọi “bố nó/ thầy nó”, “mẹ nó/ bu nó”. Với các gia đình quyền quý hay ở thành thị, thì lịch sự hơn, họ xưng gọi “anh - em” khi son trẻ và có con thì chuyển sang “cậu - mợ”, “nhà nó”.

Khi Pháp đô hộ nước ta, các nghi thức nói năng nói chung (trong đó có gia đình) cũng thay đổi, theo hướng Tây hóa. Nhưng với các gia đình nền nếp gia phong thì họ vẫn giữ được cốt cách xưa. Nói chung là trịnh trọng, ít suồng sã. Ngoài ra, ở nhiều vùng nông thôn, người ta vẫn còn gặp cảnh các cặp vợ chồng xưng “tớ - cậu/ tớ - mình”, thậm chí “mày - tao” như là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Bây giờ, các thống kê đều cho thấy “anh - em” đang là cặp xưng gọi hay dùng nhất với các nam thanh nữ tú, từ tiền hôn nhân, trong hôn nhân cho đến... hậu hôn nhân. Trước hết, thường thì chàng trai hơn tuổi cô gái, đáng mặt anh. Hơn nữa, chàng trai vẫn được coi là chủ sự, phụ nữ luôn vào vai phụ. Vai phụ thì hơn đến đôi ba tuổi vẫn cứ là... em. Cách xưng gọi anh - em vừa trung hòa, vừa có sắc thái thân tình, dễ nói. Nhưng có lẽ, đi khắp từ Nam chí Bắc, ta vẫn thấy các đôi trai gái yêu nhau, các cặp vợ chồng trẻ, rồi các cặp vợ chồng già (nhất là ở đô thị, Hà Nội chẳng hạn) vẫn có thói quen “anh anh em em” ngọt như mía. Lẽ thường vẫn thế mà!

Nhưng lẽ đời có lúc lại không thế. Bởi cung bậc tình cảm của đôi nam nữ không phải lúc nào cũng ngân nga thánh thót như tiếng hoạ mi. Ngay cả khi đang yêu nhau, “cuộc đời vẫn đẹp sao” mà cũng không ít lần chưa vừa ý, giận dỗi, phụng phịu chứ nói gì đã nên vợ nên chồng “bát đũa cũng còn xô xát nữa là”. Khi đã không vừa lòng, sao cái từ anh - em kia lại trở nên xa lạ và đáng ghét thế:

- Hôm qua, sao đang xem phim lại bỏ về thế?

- Người ta vừa gửi xe xong đã gọi như ma đuổi ấy. Rơi mất cả một túi ô mai...

- Có thế mà đã lên mặt dỗi...

- Người ta thế đấy! Chẳng trách mình thì chớ...

Chàng thì “lờ” đi không chịu xưng hô. Nàng cũng chẳng phải tay vừa, xưng luôn “người ta” cho bõ tức. “Người ta” (một từ “trống không”, chả chỉ cụ thể ai mà lại là ai) thì cứ tùy ai hiểu. Hiểu mà ứng xử cho phải. Nhưng “người ta” dù sao vẫn còn đỡ. Có lúc, chẳng thấy “người ta” đâu nữa:

- Tôi mới nói thế mà sao cô đã lồng lên vậy? Đanh đá cá cày vừa vừa thôi nhé!

- Này, đằng này cứ đanh đá đấy. Ai không chơi được thì thôi...

Có thể nói, các cặp vợ chồng có vô vàn cách nói để thể hiện thái độ qua sự sáng tạo ngôn từ của họ. Rồi có khi chẳng cần xưng hô, họ cứ tỉnh bơ nói trống không: “Này, nói cho biết nhé, đừng lên mặt làm bộ làm tịch nữa đi. Chẳng biết ai “tinh vi”. Cứ như thế, lời nói ném đi thì nhẹ, ném lại thì nặng. Chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc đấu tay đôi của các chàng và nàng. Ở đó, thôi thì, muôn hình vạn trạng cách ứng khẩu “tài ba”. Khi yêu thương đằm thắm, thì hai tiếng anh - em vang lên ngọt ngào thế. Hoặc có khi, họ cũng chẳng dùng đến “đại từ xưng hô” làm gì. Có khi xưng tên (Vũ đi cùng Hương nhé!). Cũng có khi không xưng cũng chẳng hô (Cứ để đấy, nghỉ cho đỡ mệt). Mọi chuyện vẫn cứ êm chèo mát mái. Họ hạnh phúc quá mà. Nhưng khi giận nhau, bất hòa, dằn dỗi thì lại có quá nhiều “biến thể”. Cả hai đều muốn tỏ rõ thái độ riêng cho “đối tác” biết mình đang không bình thường...

Một nhà xã hội học có kể câu chuyện: Quan hệ chàng và nàng bây giờ có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Anh nói em nghe; Giai đoạn thứ hai: Em nói anh nghe và giai đoạn thứ ba: Cả anh và em cùng nói, hàng xóm nghe. Đó chỉ là một câu chuyện vui nhưng cũng phản ánh phần nào những diễn biến cuộc sống của những lứa đôi “cơm không lành, canh không ngọt”.

Nói sao cho phải

Tất nhiên, những chuyện nói năng không hay như vậy cũng không nhiều. Nhịp sống các gia đình vẫn tuần tự trôi theo quy luật của cuộc sống. Bởi cuộc sống vốn đa dạng, nhiều hình nhiều vẻ. Khi hạnh phúc, vui vẻ thì “tiếng "anh" và tiếng "em" sao dễ thương đến thế”.

Anh đừng nói anh nhớ em như thuyền nhớ bến

Như ong nhớ hoa, như đất nhớ trời

Nỗi nhớ ngày nay không gì so sánh được

Hãy chỉ nói rằng “anh nhớ em” thôi!

(Thu Nguyệt)

Cặp xưng “anh - em” vẫn thể hiện đúng nhất quan hệ của các cặp tình nhân hay các cặp vợ chồng. Nó còn hay hơn khi người nói thể hiện bằng một ngữ điệu luyến láy, truyền cảm. Sự xưng gọi có thể sẽ thay đổi khi trong nhà xuất hiện một “baby”. Hai vợ chồng son, thêm một con là bốn. Lúc ấy, tổ ấm đã xuất hiện con cái, bố mẹ, ông bà... Và hình như người ta không còn coi mình là “trung tâm” nữa:

- Mẹ cái Linh nay nghỉ buổi sáng được không?

- Thôi, bố đưa thằng Hiếu cho mẹ Huyền ẵm nào...

- Bố Tùng cứ để đấy cho em. Bố đưa bà sang chợ được không?

- Ái chà, mẹ nó mua được cái áo vừa quá nhỉ...

- Nhóc lớn rồi, mình lại đi học tiếp tiếng Anh chứ?

Như vậy, từ cặp anh - em, người ta chuyển hệ gọi nhau bằng bố-mẹ (có thêm tên con), hoặc bố - em, mẹ - anh, anh (em) - mình, bố nó - mẹ nó... Mỗi một cặp một sắc thái nghĩa, vừa lạ vừa dân dã đáng yêu. Càng đáng yêu hơn khi họ nói với nhau trước mặt con cái, bạn bè. Đó là một sự khẳng định vị thế mới của họ. Xưng gọi cũng là một cách hòa đồng.

Tầm hiểu biết và văn hóa ứng xử cũng là một nhân tố làm thay đổi hành vi ngôn ngữ. Nhiều gia đình khi xảy ra xung đột (cãi nhau, bất đồng, vùng vằng quăng ném) chàng nàng (nhất là chàng) định văng ra câu chửi tục hay định đổi ngôi xưng hô (đang anh - em thành mày - tao) bỗng chợt nhận ra mình đang là người Hà Nội “ngàn năm văn hiến”, là người có học, biết tôn trọng người khác, nên có hành vi cho con cháu noi theo mà kiềm chế để có một cách nói thế nào cho phải lẽ.

Qua cách họ ứng xử, ta thấy hiện lên nền nếp gia phong, thói quen phong tục, trình độ văn hoá của các cặp vợ chồng, xa hơn là văn hóa của cộng đồng họ đang sống. Vậy lớp trẻ bây giờ phải chọn lối xưng hô sao cho “thuận anh thuận ả, thuận cả phố phường”, cho xứng với hình ảnh lứa đôi của Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đó là một vấn đề liên quan tới cách ứng xử đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc và văn minh giao tiếp thời hiện đại:

Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai

Ông bà, con gái, con trai

Nói sao cho phải kẻo người ngoài cười chê.

PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH