Đấu giá biển số xe: Chủ tịch Hà Nội đề xuất áp dụng mức giá tối thiểu 100 triệu đồng tại 2 'đầu tàu'
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất, mức giá tối thiểu đấu giá biển số xe ô tô nên ở mức 100 triệu đồng áp dụng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Phát biểu tại tổ, ĐB Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc có một Nghị quyết để đấu giá biển số xe là cần thiết. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng dự thảo vẫn còn một số điểm cần làm rõ. Ông đặt vấn đề: “Tôi có một chiếc xe đã có biển số, nhưng trước đây biển số xe là bấm nút. Bây giờ tôi muốn đổi biển mà tôi mong muốn thì như vậy có được không?”.
Theo ông Thanh, đây là câu hỏi sẽ được nhiều người đặt ra và cần được làm rõ để sau này “dễ thực hiện”. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung thêm vấn đề này.
Về giá khởi điểm, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số trên cơ sở xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá. Mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng. Ông Thanh nhấn mạnh, Nghị quyết đưa ra mức giá tối thiểu, nhưng mức giá cần đưa lên cao hơn. “Mức giá tối thiểu nên ở mức 100 triệu đồng áp dụng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Còn các địa phương thì ở mức tối thiểu 50 triệu đồng”- ông Thanh nói.
Liên quan đến việc việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá, ông Thanh cho rằng ngân sách nên đưa về địa phương và giao thẩm quyền cho địa phương quyết các mức giá khởi điểm, để HĐND quyết.
ĐB Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội thông tin, bây giờ không gọi theo biển số đẹp nữa mà gọi biển số theo sở thích, vậy những biến nào sẽ nằm trong danh mục để đưa ra để đấu, theo ông trong báo cáo giải trình của Bộ Công an đã có nội dung chi tiết, dự kiến trước 45 ngày sẽ đưa dãy số đó ra để phục vụ công tác đăng ký quản lý.
Ông Khánh phân tích: Ví dụ tại Hà Nội biển số đang ở đầu K và sắp tới sẽ là biển dãy số M (theo tần suất, lưu lượng đăng ký ở từng địa phương thì độ nhảy dãy số có thể khác nhau) và thời điểm từ 1/1/2023 sẽ sang biển đầu M thì trước 45 ngày, cơ quan quản lý sẽ đăng công khai trên phương tiện thông tin cần thiết hoặc trang thông tin là dãy số đầu M bao gồm bao nhiêu số sẽ được đưa vào đăng ký từ 1/1/2023 để người dân quan tâm lựa chọn.
Ví dụ có thể trong 1 vạn số đầu dãy M thì có khoảng 3.000 người quan tâm (từ 66888 hay 66666, thậm chí là biển ngũ quý, hoặc biển theo năm sinh mà hễ biển số nào bắt đầu xuất hiện nhu cầu của một người lựa chọn trở lên thì đưa vào danh sách để đấu.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, trường hợp có một người duy nhất sẽ rơi vào trường hợp có một người đăng ký, một người tham gia đấu và một người trả giá, còn hai người trở lên sẽ đấu như phổ thông bình thường. Sau thời gian 45 ngày đó, thì các số còn lại sẽ đưa vào kho để cho người dân không có nhu cầu đấu để đăng ký một cách ngẫu nhiên và là hướng đề xuất của Bộ Công an về khâu tổ chức thực hiện sau này như vậy và theo cơ quan soạn thảo, việc này đưa vào Nghị quyết cũng khó.
“Khi người sở hữu sơ cấp đấu nhiều biển được không, ông cho rằng tùy điều kiện và không giới hạn, có thể kiếm bộ sưu tập trong nhiều năm cho nhiều xe. Tuy vậy, nếu người đó có rồi nhưng lại mở cuộc đấu nữa giống như nhà sưu tầm cổ vật thì hiện luật chưa đặt vấn đề này, do đây là thí điểm nên phải xem xét sau 3 năm thực hiện ra sao”-ông Khánh nói.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh, số ngẫu nhiên không bao giờ thiếu và không để trống, bất kỳ ai vào thời điểm mà theo quyền của họ đi đăng ký thì số đó vẫn sẵn sàng và không phải chờ, còn việc đấu sẽ đi trước một bước. Có một người lựa chọn sẽ rơi vào trường hợp đấu giá trong trường hợp một người đăng ký, còn từ hai người trở lên sẽ theo đấu giá thông thường.