Khép lại một cuộc thi để mở ra hy vọng
Sau 5 đêm thi, vòng chung kết “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022” tại TP Hồ Chí Minh đã khép lại với những phần trình diễn đầy cảm xúc. Ngày 31/10 tới đây, tại Nhà hát TPHCM, đêm tổng kết, công bố và trao giải sẽ diễn ra, với 30 huy chương dành cho các nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc.
Bên cạnh sự xuất hiện của những gương mặt mới thì cuộc thi năm nay có sự góp mặt của những tên tuổi như các NSƯT Tâm Tâm, Lê Trung Thảo, Thu Vân cùng các “chuông vàng” Võ Minh Lâm, Nguyễn Văn Khởi, Nhật Nguyên… đã tạo ra sự hấp dẫn của một cuộc đua. Dù vậy, nói như NSƯT Quế Trân - thành viên hội đồng giám khảo, chị không áp lực và cũng không “nhát tay” khi chấm chọn thí sinh đã có danh hiệu, thâm niên làm nghề. “Với nghệ thuật biểu diễn, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố cảm xúc mà nghệ sĩ chuyển tải đến người xem. Khi đi thi, đã là thí sinh thì bất kỳ ai cũng đều bị chi phối bởi sức khỏe, tâm lý… Vì thế, nếu ai làm tốt, giữ tinh thần tốt sẽ đạt được kết quả cao” – NSUT Quế Trân nói.
Qua 5 đêm thi, các thí sinh đã mang đến 27 tiết mục nhiều màu sắc. Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức - Trưởng ban Tư vấn nghệ thuật cho biết, các tiết mục đều có sự chăm chút của đạo diễn và nỗ lực không mệt mỏi của diễn viên. Những nỗ lực ấy đã được đền đáp, có những trích đoạn gây ấn tượng mạnh, mang tới cảm xúc sâu sắc cho người xem. Thậm chí, có những thí sinh đã gây bất ngờ ngay với cả Hội đồng tư vấn dù theo dõi xuyên suốt trong quá trình tập luyện và biết được những khó khăn mà thí sinh đó đang gặp phải, tuy nhiên khi đứng trên sàn diễn họ đã cháy hết mình và thật sự tỏa sáng.
Giới chuyên môn cũng như khán giả khá bất ngờ với Phương Nga - diễn viên phía Bắc duy nhất lọt vào chung kết. Phương Nga hiện đang công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam, đã mang đến cuộc thi tại “đất cải lương” nét diễn quý phái qua nhân vật Thị Lộ trong trích đoạn “Đêm cuối cùng của danh nhân”, với phần thể hiện nội tâm giằng xé trước nỗi đau vì Thị Lộ mà ba họ bị họa diệt vong. Cô gái xứ Bắc hát cải lương đã chiếm trọn tình cảm của khán giả đất phương Nam và nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Nghệ sĩ Đông Hồ, 52 tuổi, đã có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội - cải lương, lần này cũng đã xuất sắc tiến vào vòng chung kết. Nghệ sĩ chia sẻ, đến với giải Trần Hữu Trang là để thỏa mãn đam mê cải lương, để được gặp gỡ bạn diễn và nuôi hy vọng tới ngày “phục hưng” của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Soạn giả Trần Hữu Trang (còn gọi là Tư Trang) sinh năm 1906, tại Mỹ Tho, mất tháng 10/1966, tại Tây Ninh. Ông là soạn giả lớn của nghệ thuật cải lương, thập niên 1930, ông đã nổi tiếng với các sáng tác như Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937). Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến. Năm 1954, ông hoạt động trong phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1960, ông tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng.
Soạn giả cải lương Trần Hữu Trang đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996). Tên ông còn được đặt tên cho một con đường, một ngôi trường ở TP Hồ Chí Minh; đặt tên cho tên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Giải thưởng Trần Hữu Trang - một giải thưởng lớn trong lĩnh vực cải lương.