Hiệu quả từ đổi mới công tác vận động Quỹ 'Vì người nghèo' và các chương trình an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam
Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, huy động được các nguồn lực to lớn góp phần cùng với Chính phủ thực hiện an sinh xã hội.
Quỹ không chỉ giúp đỡ người nghèo về vật chất, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển bền vững đất nước, mà còn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư, qua đó, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đổi mới công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trong hơn 2 năm (năm 2020 - tháng 6/2022), mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 3.865 tỷ đồng (Trung ương tiếp nhận trên 171,135 tỷ đồng; địa phương tiếp nhận trên 3.694 tỷ đồng); vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 15.448 tỷ đồng.
Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 102.910 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ 663.771 lượt người phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.
Như vậy, lũy kế từ năm 2000 đến hết 6 tháng đầu năm 2022 (gần 22 năm), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 78.983 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên 19.432 tỷ đồng; các chương trình an sinh xã hội trên 59.551 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.680.231 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh; hàng triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; phát triển sản xuất; xây dựng hàng trăm nghìn công trình dân sinh.
Đặc biệt từ năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và đời sống Nhân dân nhưng với truyền thống nhân ái, nghĩa tình các hoạt động hỗ trợ chăm lo người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước vẫn nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp và tổ chức cá nhân. Cụ thể, trong năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã tập trung vận động các tầng lớp nhân dân, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 9.455 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” được trên 1.452 tỷ đồng, vận động thực hiện an sinh xã hội được trên 8.003 tỷ đồng.
Trong đó, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và đăng ký thực hiện an sinh xã hội số tiền trên 2.338 tỷ đồng, riêng Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương tiếp nhận trên 98 tỷ đồng; các đơn vị đăng ký thực hiện an sinh xã hội trên 2.240 tỷ đồng. Trong đó ngành Ngân hàng đăng ký gần 1.400 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đăng ký 300 tỷ đồng;... một số đơn vị phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương lựa chọn địa phương tổ chức triển khai và một số đơn vị chủ động phối hợp và triển khai trực tiếp ở địa phương.
Ở địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 7.116 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” trên 1.353 tỷ đồng; an sinh xã hội trên 5.763 tỷ đồng. Từ nguồn lực vận động được cùng với hỗ trợ của ngân sách nhà nước và trợ giúp của cộng đồng (Quỹ “Vì người nghèo” và nguồn an sinh xã hội), các địa phương đã hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa được 45.622 nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ hàng trăm nghìn người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất và được giúp đỡ về học tập; giúp đỡ hàng trăm nghìn lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám, chữa bệnh, xây dựng hàng trăm công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, khám chữa bệnh, nhà sinh hoạt cộng đồng...) và các hỗ trợ khác giúp đỡ cho người nghèo.
Quỹ đã dành 19,9 tỷ đồng tặng quà Tết cho người nghèo, tặng quà cho các cộng đồng nghèo, các trung tâm, hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ mua chăn ấm, áo ấm cho trẻ em nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; trao tặng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo tại các địa phương nhân dịp “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2020; hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo theo đề nghị của các đơn vị ủng hộ, thăm và tặng quà nhân các ngày lễ lớn, hỗ trợ học bổng cho các cháu học sinh khuyết tật, mồ côi...
Năm 2021, do diễn biến tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội và cả nước tập trung cho công tác ủng hộ phòng chống dịch, nhưng các cơ quan, đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm vẫn luôn đồng hành tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Kết quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 6.314 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” trên 1.443 tỷ đồng; ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 4.871 tỷ đồng. Các hoạt động vì người nghèo và vận động thực hiện an sinh xã hội được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm triển khai, từ nguồn lực vận động được cùng với hỗ trợ của ngân sách nhà nước và trợ giúp của cộng đồng, trong năm 2021 đã hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa được 39.522 căn nhà Đại đoàn kết; giúp đỡ 111.478 người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 1.573.304 người nghèo; giúp đỡ về học tập hàng trăm ngàn em học sinh; xây dựng hàng trăm công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, khám chữa bệnh, nhà sinh hoạt cộng đồng...) và các hỗ trợ khác giúp đỡ cho người nghèo.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 3.534 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được trên 961 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 2.572 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 17.766 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 279.000 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ gần 74.000 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ gần 90.000 lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội... với số tiền trên 28 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội vẫn còn một số khó khăn. Do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ người nghèo; chương trình an sinh xã hội chưa đồng đều trên phạm vi toàn quốc; công tác vận động khó khăn do toàn xã hội phải tập trung phòng, chống dịch. Các đơn vị đăng ký ủng hộ an sinh xã hội chậm gửi báo cáo việc triển khai thực hiện ở địa phương về UBTƯ MTTQ Việt Nam nên việc tổng hợp báo cáo còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của nước ta hiện còn rất cao; hộ nghèo là 5,2% (1.330.148 hộ), hộ cận nghèo 4,15% (1.063.184 hộ). Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc… cùng với đó, số hộ gia đình khó khăn về nhà ở còn cao, do đó cần phải huy động một nguồn lực lớn và triển khai trong nhiều năm đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu và quyết tâm cao với công tác vận động hỗ trợ.
Một số giải pháp đẩy mạnh công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội
Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là hướng mạnh về cơ sở. Tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách xã hội, đổi mới, nội dung phương thức tuyên truyền cho phù hợp với từng địa bàn dân cư. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động. Động viên người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về thực hiện các chính sách xã hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng, đăng các tin, bài về các cá nhân, tập thể đã có những thành tích tốt trong tuyên truyền vận động thực hiện các chính sách xã hội.
Cấp Trung ương xây dựng trang thông tin điện tử “Vì người nghèo” để tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối trực tiếp các tổ chức, cá nhân với các địa phương và đối tượng để khuyến khích, khích lệ sự chia sẻ, giúp đỡ trực tiếp trong cộng đồng.
Hai là, huy động nguồn lực chăm lo người nghèo thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp tục huy động nguồn lực của toàn xã hội, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng cấp phát động, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nghèo, trọng tâm vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; làm cầu nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Hằng năm xây dựng kế hoạch vận động giúp đỡ người nghèo, tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; tham mưu để UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào tối ngày 17/10 hằng năm, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ người nghèo và an sinh xã hội; hằng năm, tổ chức thăm, tặng quà Tết cho người nghèo và tổ chức các chương trình Tết vì người nghèo... không để hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn không được quan tâm hỗ trợ.
Vận động, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tập trung giúp đỡ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; các hộ khá giả giúp đỡ cho hộ nghèo; các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển giúp đỡ những địa phương còn khó khăn.
Ba là, thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các văn bản về chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người nghèo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công, chính sách thực hiện an sinh xã hội, chính sách cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, chính sách bảo hiểm xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin)... Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong giám sát cộng đồng việc thực hiện các chính sách xã hội, nêu cao trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong thực hiện giám sát, sau giám sát, tổng hợp những nội dung người dân quan tâm, báo cáo với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng để giải quyết.
Tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội để hoàn thiện các dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước khi được các cơ quan xây dựng xin ý kiến về các nghị định, đề án, quyết định, chiến lược, chương trình...
Bốn là, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu hỗ trợ người nghèo tham gia các dự án, mô hình của các chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và mô hình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đổi mới phương thức vận động và hỗ trợ cho người nghèo và địa bàn khó khăn theo hướng hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững.