Hiệu quả từ những mô hình kết nối cung - cầu
Nhờ hoạt động kết nối cung - cầu mà TP Hồ Chí Minh đã tháo gỡ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa, tạo nguồn cung, bình ổn thị trường.
Quy mô ngày càng tăng
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, qua mỗi năm triển khai hội nghị hợp tác cung - cầu giữa thành phố với các địa phương, quy mô, hiệu quả của chương trình ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng tăng lên.
Cụ thể, năm 2012 hội nghị có 15 địa phương tham gia, ký kết được 43 hợp đồng; năm 2013 có tổng cộng 394 hợp đồng, với 23 địa phương tham gia; năm 2014, có 38 địa phương tham gia, ký kết 347 hợp đồng. Những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 nhưng số địa phương tham gia hội nghị kết nối cũng tăng lên đáng kể. Năm 2021 có 45 tỉnh thành, với 600 doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, bên cạnh việc mở rộng số lượng, chủng loại mặt hàng tham gia, chương trình kết nối cung- cầu tập trung ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn an toàn (VietGap, GlobalGap…), đưa vào kênh phân phối truyền thống và đẩy mạnh quảng bá, truyền thông sản phẩm đạt chuẩn an toàn, địa điểm phân phối sản phẩm an toàn.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, chương trình kết nối hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh, thành là một sáng kiến rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bởi TPHCM là địa phương có dân số đông, người tiêu thụ hàng hóa nhiều nhưng lại không tự sản xuất được nhiều mặt hàng, đặc biệt là những sản phẩm từ nông nghiệp. Ở chiều ngược lại, các địa phương lại rất cần những mặt hàng tiêu dùng làm theo hình thức công nghiệp của TPHCM.
“Nhờ chương trình này mà suốt 12 năm qua, hoạt động cung - cầu hàng hóa đã hình thành được các chuỗi liên kết hiệu quả. Điều này đã góp phần quan trọng vào bình ổn thị trường, nhất là những dịp cuối năm hay như đại dịch Covid-19 đã chứng minh sự đúng đắn của chương trình” - bà Thắng nhấn mạnh.
Người tiêu dùng được hưởng lợi
Thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân TPHCM hiện nay đã có nhiều thay đổi, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm, tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ và có đầy đủ chứng nhận về chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, để tìm kiếm và nhận biết được một địa chỉ mua sắm an toàn, uy tín, thực sự tạo được sự an tâm cho người tiêu dùng chưa nhiều.
Trước nhu cầu bức thiết đó của người dân, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành sớm triển khai nhiều giải pháp kiên trì, quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, lương thực- thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, phân phối các sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP…để cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng thực phẩm an toàn cho người dân.
Theo lãnh đạo Sở Công thương TPHCM, hàng hóa cung ứng trong chuỗi hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, của hàng tiện lợi đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được quản lý bảo quản và phân phối theo quy trình kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, các sản phẩm phân phối chủ yếu là những sản phẩm sản xuất và cung ứng từ các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp được Sở Y tế cấp chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP…
Qua quá trình triển khai của các sở, ngành và nỗ lực của các doanh nghiệp trong khâu tổ chức sản xuất và thử nghiệm phân phối sản phẩm VietGap, tính đến nay thành phố đã có trên 400 địa điểm phân phối sản phẩm đạt chuẩn an toàn (VietGap, GlobalGap…). Bên cạnh đó, Sở Công thương TPHCM đã xây dựng hướng dẫn điều kiện địa điểm phân phối thực phẩm an toàn; đảm bảo các tiêu chí: Nguồn hàng thực phẩm an toàn, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người trong kinh doanh thực phẩm; đồng thời có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia chuỗi thực phẩm và mạng lưới địa điểm phân phối thực phẩm đạt chuẩn an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Đánh giá về hoạt động này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, thông qua chương trình kết nối cung- cầu, hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TPHCM tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp có uy tín, các sản phẩm chất lượng, các sản phẩm làng nghề, hàng đặc sản…góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM, đồng thời hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, chương trình kết nối hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh, thành là một sáng kiến rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bởi TPHCM là địa phương có dân số đông, người tiêu thụ hàng hóa nhiều nhưng lại không tự sản xuất được nhiều mặt hàng, đặc biệt là những sản phẩm từ nông nghiệp. Ở chiều ngược lại, các địa phương lại rất cần những mặt hàng tiêu dùng sản phẩm công nghiệp của TPHCM.