Đổi mới đánh giá môn Ngữ văn: Không phụ thuộc vào sách giáo khoa
Để triệt tiêu văn mẫu, việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn là yêu cầu cần thiết đặt ra. Tuy nhiên, nhiều giáo viên băn khoăn về việc sử dụng học liệu ngoài sách giáo khoa (SGK) sẽ gây khó khăn, áp lực cho một bộ phận không nhỏ học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở GDĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Công văn của Bộ nhấn mạnh việc tránh dùng các văn bản trong SGK làm ngữ liệu xây dựng đề cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học. Việc này nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Nhiều ý kiến ủng hộ việc thay đổi cách ra đề quen thuộc thường thấy là sử dụng ngữ liệu trong SGK khiến học sinh chưa thi đã đoán được đề là cần thiết để tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu với thầy cô cũng cần dần dần thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá để liên tục đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Đỗ Hải Phong - Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc này không thể bắt buộc áp dụng ngay lập tức mà có thể tùy từng lớp học, từng đối tượng học sinh để giáo viên linh hoạt ra đề kiểm tra, đánh giá. Mục tiêu là đến khi việc triển khai chương trình mới thực hiện ở hết các cấp, các lớp học thì việc đổi mới trong ra đề thi, không phụ thuộc vào các tác phẩm SGK là bắt buộc. Hiện nay, với việc có nhiều hơn 1 bộ SGK thì việc ngữ liệu đề thi không trùng với ngữ liệu trong sách giáo viên dạy học sinh là chuyện hết sức bình thường nên cần có sự chuẩn bị càng sớm càng tốt cho học sinh.
Với quy định mới, giáo viên không bị quá gò bó về cách ra đề, được thoải mái sáng tạo về đề thi, miễn là cùng một đặc trưng thể loại tương đương với một văn bản học sinh đã được học trong SGK. Tuy nhiên, với những giáo viên cùng lúc dạy 2, 3 lớp hoặc đứng lớp nhiều năm, cần phải thay đổi liên tục đề thi để tránh bị “lộ” đề hoặc khiến học sinh nhàm chán do biết trước đề thi. Tuy nhiên, mỗi lớp học thường có học sinh ở các trình độ khác nhau cùng tham gia nên một đề thi phù hợp với tất cả các em là không đơn giản.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra với giáo viên đó là phải chăm đọc tài liệu, sách báo để cập nhật những nội dung mới, từ đó có được ý tưởng về những câu hỏi độc đáo, mới mẻ không trùng nhau.
Thứ hai, thiết kế đề kiểm tra có phần dễ, phần khó tương đương để phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau trong lớp cùng tiếp thu. Đây là một đòi hỏi khó vì qua thực tế giảng dạy, bà Lê Mai Phương - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) cho biết học sinh đã quen học 9 năm qua với các bài kiểm tra mà ngữ liệu quen thuộc, đã được dạy kỹ trong SGK. Dẫu vậy, nhiều học sinh vẫn làm bài chưa tốt. Nay chuyển hẳn sang ngữ liệu mới, học sinh chưa đọc bao giờ, nhiều em chưa thể thích ứng kịp.
Kinh nghiệm của bà Phương đó là phải luôn luôn nhắc nhở học sinh tinh thần bài thi mở và ngữ liệu không có trong SGK nên khi học phải chú ý tập trung nghe giảng để hiểu bản chất vấn đề, đặc biệt là phương pháp, kỹ năng làm bài, hiểu được đặc trưng thể loại. Đồng thời, trong quá trình dạy, thiết kế thêm một số bài rèn luyện phương pháp viết cho học sinh để học sinh quen và có thêm kỹ năng làm bài.
Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ GDĐT không có quy định cụ thể về bài kiểm tra môn Ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận hoàn toàn hay tự luận kết hợp trắc nghiệm nên thầy cô sẽ tùy năng lực của học sinh và yêu cầu cần đạt để xây dựng đề kiểm tra. Tuy nhiên, một băn khoăn hiện nay của nhiều giáo viên và nhà trường đó là sau đây, các em học sinh trên toàn tỉnh, toàn quốc sẽ vẫn có những kỳ thi chung là thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Nếu mỗi thầy cô, mỗi trường ra đề một phách, khi gặp đề thi kiểu khác học sinh có bị lúng túng? Vì vậy, một số giáo viên kiến nghị Bộ GDĐT sớm có bộ đề mẫu, trong đó có đề thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.