Chủ động ứng phó nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố trong tuần qua tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca (tăng 386 ca so với tuần trước đó) và có thêm 38 ổ dịch. Dự báo, tháng 11 và 12 tới sẽ là đỉnh điểm của dịch SXH tại miền Bắc.
Bệnh nhân SXH tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai… Ngoài ra, tuần qua thành phố cũng ghi nhận thêm 38 ổ dịch SXH mới tại 16 quận, huyện. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc SXH (tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 517/579 xã, phường, thị trấn.
Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 720 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, số ca mắc SXH và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Đơn cử tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nếu như trong tháng 8, số bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 bệnh nhân vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250 bệnh nhân.
Là một trong những quận nội thành có số ca mắc mới SXH cao trong tuần qua, thông tin từ Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, trong tuần ghi nhận 54 ca mắc mới SXH tại 17/21 phường và 5 ổ dịch mới, số ca mắc mới này giảm nhẹ so với tuần trước đó (55 ca). Cộng dồn tới nay, quận Đống Đa ghi nhận 513 ca mắc SXH tại 21/21 phường trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ông Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm Y tế Quận Đống Đa cho biết: Hiện nay, tất cả các ca bệnh và ổ dịch mới ghi nhận trong tuần đã được xử lý. Cụ thể, y tế quận đã điều tra, khoanh vùng và xử lý lần 1 tại 5 ổ dịch mới được ghi nhận, còn các ca bệnh đều đã được điều tra, giám sát. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục điều tra, khoanh vùng và xử lý lần 2 tại những ổ dịch được phát hiện từ tuần trước đó. Song song với những việc trên, trong tuần quận đã tổ chức chiến dịch Vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại 5/21 phường và phun hóa chất diện rộng tại 6/21 phường. Trong 1, 2 ngày sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện phun hóa chất diện rộng trên địa bàn các phường còn lại.
Được biết, 7/21 phường tại quận Đống Đa có chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy trên ngưỡng nguy cơ bùng phát dịch. Ví dụ, phường Phương Liên có mật độ muỗi 0,16 con/nhà và BI (chỉ số bọ gậy trong dụng cụ chứa nước) là 33,3, phường Thịnh Quang có mật độ muỗi 0,2 con/nhà và BI là 40.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm cho biết: “Kết quả giám sát cho thấy, chỉ số bọ gậy trên địa bàn quận vẫn ở mức nguy cơ cao, điều này dự báo dịch có thể bùng phát trong thời gian tới. Mặc dù trong tuần qua, số ca mắc mới trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã giảm hơn so với tuần trước đó, tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, phun khử khuẩn và diệt bọ gậy, không thể chủ quan trong tình hình hiện tại”.
Mặc dù nhìn về tổng thể, số ca mắc SXH trên cả nước đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, Cục Y tế Dự phòng dự báo trong thời gian tới, số ca mắc SXH và tử vong do dịch bệnh này sẽ tiếp tục tăng do cao điểm hàng năm là từ tháng 7 đến 11. Trong khi đó, CDC Hà Nội thừa nhận số ca mắc SXH tiếp tục tăng so với tuần trước và dự báo con số này có thể vẫn gia tăng trong thời gian tới.
CDC Hà Nội khuyến cáo, các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình SXH, duy trì các hoạt động điều tra, giám sát côn trùng thường xuyên; giám sát sau xử lý ổ dịch phát hiện các điểm có chỉ số côn trùng cao, triển khai xử lý kịp thời nơi có ca mắc bệnh bằng biện pháp là diệt loăng quăng và phun hóa chất.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, khi mắc SXH trong những ngày đầu, người bệnh vẫn có thể chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.