Hành động để kiến trúc cổ không “biến mất”
Câu chuyện về bảo tồn di tích, kiến trúc lịch sử - văn hóa vừa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đề cập trở lại sau nhiều giải pháp tiến triển chậm một phần xuất phát từ nguồn ngân sách phân bổ hạn chế, trong khi lại khó thu hút xã hội hóa.
Thủ tục rườm rà nên phải lách luật?
Khảo sát thực tế tại quận 8 (TPHCM), ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận này cho biết, hiện nay không ít các di tích trên địa bàn xuống cấp nhanh, trong đó Khu di tích khảo cổ học Lò gốm Hưng Lợi đang bị xuống cấp khá trầm trọng và cũng không chủ động được trong bảo quản, trùng tu, dẫn đến không giữ được nguyên trạng như thời gian đầu vừa được công nhận (1998).
Theo đánh giá của đoàn giám sát HĐND TPHCM, công trình vừa bị xuống cấp và cũng có hiện tượng di tích bị xâm hại, trong đó một số khu vực di tích đang bị lấn chiếm, lắp đặt và xây dựng trái phép công trình trong khuôn viên di tích…Trước tình trạng đặc biệt nghiêm trọng này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã chỉ đạo “nóng” để bảo tồn, bảo vệ và quản lý di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi. Đồng thời, ông Đức cũng yêu cầu Sở Tài chính bố trí vốn thực hiện công tác bảo vệ khẩn cấp di tích (xây dựng cổng, hàng rào, camera giám sát).
Không chỉ đối với di tích cấp quốc gia, các biệt thự, nhà cổ cũng trải qua giai đoạn xuống cấp trầm trọng, trong đó hơn nửa biệt thự cổ đã phải tháo dỡ do không thể duy tu, sửa chữa kể từ năm 2001 cho đến nay. Ngoài buộc phải tháo dỡ do xuống cấp, khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cũng đánh giá, quá trình thủ tục duy tu, tôn tạo các biệt thự, nhà cổ trên địa bàn thành phố hiện nay cũng còn khá nhiều nhiêu khê khiến nhiều chủ sở hữu (tư nhân) “vượt rào” tự ý can thiệp vào tháo dỡ hoặc xây dựng cơi nới, chắp vá. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì nhiều kiến trúc cổ đã bị xâm hại nghiêm trọng, buộc phải phá bỏ.
Cách đây chưa lâu, TPHCM phải tháo dỡ một biệt thự cổ trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Lý do chủ sở hữu nhà cổ đã tự ý tháo dỡ gần như toàn bộ kiến trúc biệt thự, sau đó tiếp tục đập bỏ phần còn lại để xây mới. Trong khi xâm phạm di tích, chủ đầu tư này đổ lỗi do hồ sơ rườm rà, nhiêu khê đã phải “lách luật”, đồng thời đề xuất xây dựng trên nền biệt thự cổ này thay vào bằng một tòa nhà mới.
Tương tự, đối với căn biệt thự trăm tuổi ở địa chỉ 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) cũng đã bị chủ sở hữu tự ý tháo dỡ khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Đáng chú ý, căn biệt thự thuộc nhóm 1 của TPHCM, tức phải được bảo tồn nguyên bản.
Chưa hết, một căn biệt thự số 6B Ngô Thời Nhiệm (quận 3) dù đã được đề xuất loại 2 (bảo tồn một phần) nhưng sau đó cơ quan chức năng kiểm tra đã phát hiện căn biệt thự cổ đã bị tháo dỡ. Lãnh đạo UBND TPHCM sau đó đã phải ban hành một tiêu chí để đánh giá phân loại biệt thự cổ và gần đây lần đầu TPHCM ban hành quyết định phân loại biệt thự chung cho các quận, huyện và TP Thủ Đức để đảm bảo không có thêm một di tích hoặc công trình cổ bị “biến mất” hoàn toàn.
Không thể làm ngơ
Mới đây, khi đánh giá lại hiện trạng công tác bảo tồn, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đánh giá hiện TP còn khoảng 1.500 biệt thự cũ, trong đó có khá nhiều biệt thự cũ được tiếp quản lại từ sau năm 1975 và được phân loại vào các nhóm bảo tồn cấp thiết (cấp 1, 2). Sở Du lịch TPHCM cũng cho biết, dù phải bảo tồn cấp thiết nhưng quỹ các biệt thự cũ này chưa được quan tâm đúng mực để bảo tồn do hạn chế về ngân sách. Theo thời gian, số lượng và chất lượng các biệt thự trăm tuổi ngày càng giảm do bị tháo dỡ, hư hỏng hoặc bị chủ sở hữu tự ý xâm hại.
Với đề nghị cần phải cấp thiết xem lại công tác bảo tồn một cách nghiêm túc, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM cho rằng TP cần nhìn vào thực tế của công tác bảo tồn, duy tu di sản, di tích hiện nay để tìm giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, trong bối cảnh thành phố thiếu ngân sách cho công tác bảo tồn thì có thể đánh giá lại các biệt thự cổ thuộc nhóm cấp thiết phải bảo tồn để giữ nét hài hòa về phong cách kiến trúc, hoặc gắn liền một sự kiện lịch sử quan trọng của TPHCM. Bởi vì, nếu muốn giữ lại tất cả biệt thự cổ thì rất khó: khó cho cả dân và khó cho cả phía ngân sách do thiếu kinh phí bảo tồn.
Cũng theo góp ý của ông Hòa, TPHCM cần học tập kinh nghiệm của phố cổ Hội An với mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm trong công tác bảo tồn.
Còn KTS Nguyễn Văn Biểu, chuyên gia tư vấn bảo tồn xen kẽ giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại tại quận 7, TPHCM cho rằng, cần nhìn vào một thực tế là trong khi nhà nước muốn giữ hết các di sản, di tích cổ nhưng lại va chạm với quyền lợi của người dân (chủ sở hữu) vốn đa số không đồng tình với việc đưa biệt thự của họ vào danh sách bảo tồn cấp thiết.
“Lý do chính vẫn do hồ sơ để duy tu, sửa chữa còn nhiêu khê, khiến các chủ sở hữu có xu hướng xâm hại di sản, tự ý sửa chữa khi chưa được sự đồng ý của chính quyền và cơ quan quản lý về di sản” - ông Biểu nhận xét.
Cần có những dự án đô thị để phát huy giá trị di sản văn hóa
Đó là kiến nghị mới đây của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP) với Sở Văn hóa - Thể thao về thực hiện nghị quyết của HĐND TP việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị. Theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, TPHCM có nhiều không gian có giá trị di sản, nhiều không gian mang dấu ấn của địa phương, nhiều di tích văn hóa, lịch sử cần kiểm kê, đưa vào danh mục để có cơ sở pháp lý bảo vệ. Những không gian này có thể gắn với những hoạt động về văn hóa, dịch vụ, du lịch, tạo ra kinh tế để nuôi sống và phát huy giá trị của không gian đô thị đó. Các sở ngành phải liên kết để lập ra những dự án đô thị, kết nối ngành để bảo tồn.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP) nói tại buổi giám sát: “Có những vấn đề đáng ra chúng tôi phải biết sớm hơn, phải nghe sớm hơn, phải kiến nghị sớm hơn. Giờ mới biết tuy đã trễ nhưng còn hơn bỏ ngỏ. Hiện tại, các di tích khảo cổ mất đi không tìm lại được, phục dựng chỉ là làm lại chứ không còn nguyên bản. Những di tích nào hiện còn thì phải ra sức giữ gìn”.
S.Tuyến