Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò của Mặt trận trong công tác dân tộc
Để chăm lo tốt hơn đời sống đồng bào DTTS, Ủy ban MTTQ huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã đẩy mạnh quán triệt và triển khai sâu rộng Kết luận 01 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc”. Qua đó, MTTQ huyện đã tăng cường chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên giám sát nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới đời sống của đồng bào DTTS.
Sông Lô là huyện miền núi có đông đồng bào DTTS với hơn 1.000 hộ, hơn 3.500 nhân khẩu, chiếm 3,11% dân số toàn huyện, sống tập trung ở các xã Quang Yên, Lãng Công (chủ yếu là dân tộc Dao, Cao Lan). Ngoài ra, các dân tộc như Mông, Giáy, Hoa (Hán), Lào có số lượng ít sống rải rác ở các xã, thị trấn. Bám sát Kết luận số 01, Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng các chương trình, kế hoạch về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ trong công tác dân tộc.
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như tổ chức sinh hoạt với Ban Công tác Mặt trận, hội thi, thăm hỏi, động viên các chức sắc, chức việc tôn giáo, người uy tín trong đồng bào DTTS. Qua đó, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, cũng như mục tiêu phát triển KT-XH của huyện Sông Lô gắn với xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ huyện cũng tích cực vận động bà con đồng bào DTTS hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua cũng như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện Chỉ thị 11 về xây dựng đời sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; phong trào xây dựng, cải tạo hệ thống cống rãnh thoát nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường… Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hơn 120km rãnh thoát nước thải. Riêng Cuộc vận động xây dựng tuyến đường kiểu mẫu “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” toàn huyện đăng ký 178 tuyến đường, trong đó, có 4 tuyến ở các thôn có đồng bào dân tộc đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, Ủy ban MTTQ huyện đã tạo điều kiện cung cấp thông tin, đi tham quan học tập kinh nghiệm thực tế cho người có uy tín. Qua đó, người có uy tín trong đồng bào DTTS tham khảo, học hỏi được những cách làm hay, kinh nghiệm quý, những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất để tuyên truyền, hướng dẫn bà con học tập, nhân rộng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ huyện còn chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, vật tư, cây, con giống để giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Hiện, toàn huyện có hơn 200 hộ đồng bào DTTS được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ gần 6,5 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh; 37 hộ nghèo DTTS được vay vốn nước sạch, với tổng kinh phí hỗ trợ là 48,1 triệu đồng, góp phần nâng cao hơn điều kiện sống, sinh hoạt cho bà con. Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội, chăm lo gia đình đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn luôn được MTTQ các cấp của huyện quan tâm.
Để chăm lo tốt hơn đời sống đồng bào DTTS của huyện, MTTQ huyện Sông Lô tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng hơn Kết luận 01; tăng cường chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và cơ quan chức năng tổ chức giám sát nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới đời sống của đồng bào DTTS, đóng góp nhiều ý kiến, phản biện vào các dự thảo văn bản của cấp trên về chính sách dân tộc.