Hà Tĩnh ‘xây tổ’ đón ‘đại bàng’
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của Hà Tĩnh là lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng, cán bộ là công bộc, là những người phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp. Để Hà Tĩnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, cần tiếp tục thay đổi môi trường và chiến lược thu hút đầu tư. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Muốn thu hút được đại bàng thì cần phải có tổ cho đại bàng ở”. Hà Tĩnh sẽ “xây tổ” để đón “đại bàng”.
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của Hà Tĩnh là lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng, cán bộ là công bộc, là những người phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp. Để Hà Tĩnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, cần tiếp tục thay đổi môi trường và chiến lược thu hút đầu tư. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Muốn thu hút được đại bàng thì cần phải có tổ cho đại bàng ở”. Hà Tĩnh sẽ “xây tổ” để đón “đại bàng”.
Chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này vào giờ trưa, khi ông Võ Trọng Hải mới trở về từ chuyến công tác ở Hà Nội vào lúc 2h sáng và vừa kết thúc một cuộc họp quan trọng do ông chủ trì. Lần đầu tiên với cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, người từng được mệnh danh là “khắc tinh” của tội phạm chia sẻ về bài toán phát triển kinh tế với báo chí. Những kế hoạch có tính chiến lược về thu hút đầu tư được xem là “kim chỉ nam” để Hà Tĩnh thực hiện được ông Võ Trọng Hải chia sẻ thẳng thắn.
PV: Thưa ông, tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với doanh nhân vào chiều 13/10/2022 mới đây, ông có nói: Đây là dịp “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đối với doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Ông Võ Trọng Hải: Trong 2 năm qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2021 bùng phát đại dịch Covid-19, sang năm 2022, kinh tế bắt đầu phục hồi nhưng nhanh chóng đối mặt với những biến động khó lường, gia tăng các yếu tố rủi ro toàn cầu. Xung đột Nga - Ucraina làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên - nhiên liệu tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, cộng thêm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết ngày càng cực đoan… Nhiều diễn biến trong và ngoài nước chưa từng có tiền lệ, vượt ra khỏi khả năng dự báo.
Thế nhưng, nhiều doanh nhân vẫn mạnh dạn đầu tư vào Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững trước những làn sóng khó khăn, bất lợi. Giai đoạn này thực sự là dịp để “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Chiến lược đầu tư, kinh doanh tốt của các doanh nhân, doanh nghiệp thời gian này đã góp phần đưa kinh tế Hà Tĩnh hồi phục nhanh.
Những dữ liệu nào để ông có thể khẳng định kinh tế Hà Tĩnh đã hồi phục sau những khó khăn, thử thách đó?
- Trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh đạt gần 14.400 tỷ đồng, đây là số thu 9 tháng đầu năm cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt 88% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động du lịch dịch vụ phục hồi nhanh, sản xuất nông nghiệp ổn định, xuất khẩu đạt hơn 1,3 tỷ USD, giải quyết việc làm mới cho gần 19.000 lao động. Gần 1.100 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021, đạt số lượng thành lập mới cao nhất từ trước tới nay.
Một điểm nhấn quan trọng là các công trình, dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa vào hoạt động. Nhà máy sản xuất Pin của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, phấn đấu đưa vào vận hành sản xuất trong quý IV năm 2022. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD đang được tập trung đẩy mạnh thi công, tính đến tháng 9/2022 đã giải ngân 1/4 tổng vốn đăng ký thực hiện.
Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh với công nghệ tiêu chuẩn EU, công suất tối đa lên đến 500 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng đã chính thức hoạt động và sản xuất thử nghiệm. Dự kiến sẽ đóng góp ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 200 lao động… Những dữ liệu đó cho thấy, kinh tế Hà Tĩnh đã hồi phục khá nhanh.
Qua đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt khó, chủ động đổi mới, sáng tạo và kịp thời thích ứng tình hình, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Những nỗ lực bền bỉ, vượt khó, tích cực đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã được đền đáp với kết quả tích cực.
Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, thu ngân sách của Hà Tĩnh đạt cao như thế chủ yếu là nhờ Formosa, “cái bóng” của Formosa ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Hà Tĩnh. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là đơn vị dẫn đầu trong việc nộp ngân sách Nhà nước cho Hà Tĩnh từ nhiều năm nay. Trung bình mỗi năm, Formosa Hà Tĩnh đóng góp 50-60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Riêng 9 tháng năm 2022, Formosa Hà Tĩnh đóng nộp hơn 786 tỷ đồng thuế nội địa.
Với quy mô nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, Formosa Hà Tĩnh đang chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Doanh nghiệp này còn tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hậu thép.
Vì thế, người ta cho rằng “cái bóng” của Formosa ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Hà Tĩnh quả không sai. Tuy nhiên, hiện nay Hà Tĩnh đã có thêm “nhiều Formosa” hơn. Đó là Nhà máy Pin của Tập đoàn Vingroup, Nhà máy Nhiệt điện I và II, Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh, Liên doanh Công ty TNHH Xây dựng & Công nghiệp nặng Doosan và Tập đoàn Samsung C&T, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh…
Ông sẽ làm gì để Hà Tĩnh có thêm “nhiều Formosa” hơn, thêm nhiều cực tăng trưởng hơn bây giờ?
- Phải tạo môi trường đầu tư thông thoáng, chỉ có cách đó mới thu hút được doanh nhân, doanh nghiệp. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh đối với chủ trương và môi trường đầu tư là đặc biệt coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân, họ là những người tạo ra của cải, làm giàu cho xã hội. Tỉnh đặc biệt quan tâm thu hút và chọn lựa các nhà đầu tư chiến lược, các dự án chiến lược, xem đây là đòn bẩy để chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
Như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Muốn thu hút được đại bàng thì cần phải có tổ cho đại bàng ở”. Hà Tĩnh sẽ “xây tổ” để đón “đại bàng”, chắc chắn như thế. Tỉnh đã và đang tập trung thực hiện 4 vấn đề cụ thể để thu hút các nhà đầu tư lớn, đó là quy hoạch, hạ tầng, nguồn nhân lực và chính quyền đồng hành.
Lấy tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp làm phương châm hành động, chính quyền đã mở nhiều cuộc tọa đàm, đối thoại mở, các buổi làm việc nâng cao tính tương tác hai chiều, lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị từ phía doanh nghiệp. Tập trung xử lý những vướng mắc, bất cập gắn với xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng tổ chức, từng cá nhân, từng đầu việc.
Với tinh thần cầu thị, học hỏi, mới đây, Đoàn công tác của tỉnh đã thị sát, làm việc với một số tỉnh “đầu tàu kinh tế” phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tháo gỡ vướng mắc, khai thông và huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Qua đó, mở rộng tầm nhìn, thu hoạch được những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, giúp Hà Tĩnh trong việc lựa chọn thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, xây dựng… góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tỉnh đã và đang tích cực mời gọi, kết nối, xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu trong sản xuất linh kiện ô tô, đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ tại khu kinh tế và các khu du lịch biển, phát triển nông nghiệp hữu cơ như Vingroup, Sun Group, Ecopark, T&T, VSIP, Quế Lâm...
Để “xây tổ” đón “đại bàng”, tôi sẽ phân ra các việc cụ thể để hệ thống chính quyền cùng chung tay thực hiện, gồm “4 vấn đề cơ bản” và “4 vấn đề cụ thể, cấp bách”.
Trước hết, “4 vấn đề cơ bản” gồm:
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ - nông thôn mới. Điều này tạo cơ sở cho phát triển thị trường, thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực, thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, phát triển bền vững hợp tác xã.
Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án chiến lược, làm động lực phát triển lan tỏa. Đồng thời, hết sức quan tâm, tạo môi trường phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã.
Làm tốt công tác quy hoạch phát triển chiến lược, bảo đảm nền tảng bền vững cho thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Bảo đảm đồng bộ giữa công nghiệp và đô thị hóa, giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.
Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực làm nền tảng cho thu hút đầu tư, phát triển bền vững. Cần làm tốt giáo dục hướng nghiệp, phân luồng giáo dục từ các bậc học phổ thông. Cơ cấu lại trường nghề, trường đào tạo, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp ở mọi cấp độ.
“Bốn vấn đề cụ thể, cấp bách”, gồm:
Triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với định hướng phát triển rõ các ngành, mang tính chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố, thị xã. Sâu xa là xây dựng, củng cố niềm tin doanh nghiệp đối với chính quyền Hà Tĩnh.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc quy định pháp luật về đất đai và đầu tư. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính sách miễn, giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất cho người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án lớn, có tính chất lan tỏa. Tích cực tháo gỡ, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Theo ông, trục phát triển kinh tế của Hà Tĩnh trong thời gian tới nên định hình như thế nào để có tính đột phá và nâng cao đời sống người dân?
Tỉnh đã quán triệt trục phát triển kinh tế của tỉnh là công nghiệp - đô thị - dịch vụ du lịch - nông thôn mới. Ưu tiên phát triển công nghiệp. Công nghiệp sẽ là đòn bẩy, là đầu kéo để phát triển đô thị, dịch vụ - du lịch và cả nông thôn mới.
Về công nghiệp như tôi đã chia sẻ ở trên, Hà Tĩnh sẽ “xây tổ” để đón “đại bàng”. Còn đối với du lịch, dịch vụ, tỉnh sẽ chú trọng tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group... Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh. Các loại hình dịch vụ sẽ được đa dạng hóa, hướng tới sự hiện đại, tiện nghi.
Khi công nghiệp, đô thị, du lịch - dịch vụ phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của nông thôn mới. Nông thôn mới phát triển theo chiều sâu, sản xuất các sản phẩm hữu cơ, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu như Tập đoàn Quế Lâm vào để tạo đà cho nền nông nghiệp Hà Tĩnh. Các hợp tác xã, tổ hợp tác giữ vai trò đầu tàu trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn mới.
Trước đây, người dân Hà Tĩnh biết đến Võ Trọng Hải như một “khắc tinh” của tội phạm, khi chuyển sang vị trí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, những kinh nghiệm trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm có giúp ích cho vị trí mới của ông không?
- Có chứ. Kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giúp ích khá nhiều cho tôi trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đơn cử như việc khiếu nại, tố cáo của người dân xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) về dự án nuôi tôm của Công ty Việt Anh, vụ việc kéo dài hàng chục năm nhưng không giải quyết dứt điểm được. Đây là vấn đề nhức nhối ở địa phương, người dân khiếu nại ra tận Trung ương rất nhiều lần và tiềm ẩn nhiều vấn đề an ninh trật tự.
Khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra thật kỹ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân xung quanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án. Hiện nay, vụ việc tồn đọng tại Kỳ Nam đã được giải quyết dứt điểm.
Tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát tất cả những vụ việc, những vấn đề khiếu nại, tố cáo kéo dài, những dự án tồn đọng… Yêu cầu cơ quan chức năng tham mưu hướng xử lý sau khi rà soát. Những bức xúc kéo dài của người dân, của doanh nghiệp sẽ cố gắng giải quyết triệt để.
Tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nhân năm 2022, ông thẳng thắn đề nghị doanh nhân, doanh nghiệp chỉ rõ những cán bộ, sở, ngành, địa phương nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường lựa chọn “ngậm bồ hòn làm ngọt”, thà chịu trận chứ không dám “chỉ mặt, đặt tên”. Quan điểm của ông như thế nào nếu phát hiện cán bộ cản trở người dân, doanh nghiệp?
Tỉnh luôn xác định quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng. Cán bộ chính quyền và sở, ngành phải là “công bộc”, là những người phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.
Tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ các nhà đầu tư hướng vào “một đầu mối” để rõ trách nhiệm, rõ kiểm tra, rõ đánh giá. Xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nếu phát hiện cán bộ nào tiêu cực, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp, chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật ngay cho dù cán bộ đó ở cương vị nào. Quan điểm của tôi trong công việc là phân công, phân nhiệm rõ ràng. Khi được phân công thực hiện nhiệm vụ, cán bộ đó phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để xác định được cán bộ sách nhiễu cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Sắp tới tôi sẽ kiểm tra việc tiếp dân của lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp và sẽ ngồi tiếp dân cùng lãnh đạo địa phương. Đây sẽ là một “kênh” quan trọng để đánh giá năng lực của cán bộ lãnh đạo địa phương và để tìm ra những cán bộ sách nhiễu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Hà Vy - Hạnh Nguyên
Ảnh: Cẩm Kỳ