Bất cập trong sách giáo khoa mới: Nên có một bộ sách chung, chuẩn mực?
Đến nay SGK lớp 4, 8, 11 đang trong quá trình được thẩm định. Sau thời gian chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, khâu thẩm định SGK cần được thực hiện chặt chẽ hơn để tạo tâm lý yên tâm cho học sinh và phụ huynh.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Hiện SGK được biên soạn theo phương thức mới đã được đưa vào giảng dạy. Điểm khác biệt lớn nhất của đổi mới SGK lần này chính là việc SGK được biên soạn xuất bản theo chủ trương một chương trình nhiều SGK, bỏ độc quyền xuất bản SGK.
Đến nay, Bộ GDĐT đã phê duyệt SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông đối với các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Đến thời điểm hiện tại đã khẳng định thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai chương trình, vẫn có những ý kiến trái chiều xung quanh việc xã hội hóa biên soạn SGK và chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK. Một số ý kiến còn đề xuất Bộ GDĐT nên chọn một bộ SGK để dùng chung cho cả nước.
Trước những bất cập xung quanh vấn đề về SGK mới, trong nhiều lần trao đổi với phóng viên, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhiều lần nêu quan điểm, Bộ GDĐT nên có một bộ SGK dùng chung cho cả nước. Bởi như hiện nay, việc quản lý SGK đang bị thả lỏng.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK đẩy SGK vào thế cạnh tranh. Các nhà xuất bản đưa ra nhiều bộ SGK, giá thành cao nhưng chất lượng lại không cao, vẫn còn có nhiều “sạn”.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, cần có bộ SGK chung, chuẩn mực của Nhà nước.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, SGK được Nhà nước đầu tư xuất bản, ở Thụy Sĩ do chính quyền vùng. Những quốc gia cho phép nhà xuất bản thương mại xuất bản SGK đều phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về nội dung, hình thức, chất lượng, giá...
Ngoài những quốc gia cấp SGK miễn phí cho học sinh các cấp, trường hợp phụ huynh phải mua sách cũng được bảo vệ quyền lợi bởi các quy định chặt chẽ.
Ông Vinh băn khoăn về chủ trương trích ngân sách 3.500 tỷ đồng mua sách cho học sinh mượn, và cho rằng nếu Bộ GDĐT chủ trì biên soạn một bộ sách có chất lượng tiêu chuẩn thì có thể tiết kiệm hàng tỷ đồng.
Bộ SGK do bộ nắm bản quyền có thể được đấu thầu để chọn đơn vị xuất bản nhằm đảm bảo khách quan. Sách sẽ được cấp miễn phí cho học sinh nghèo và đưa vào tủ sách dùng chung. Như vậy thay vì bỏ ra 3.500 tỷ mua sách của nhiều đơn vị, có thể tiết kiệm hơn nếu có bộ sách của Nhà nước sử dụng vào mục đích trên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, “nếu có bộ sách chuẩn rồi thì có đi ngược với chủ trương của chương trình mới?”, TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay, với các bộ sách khác của các nhà xuất bản sẽ xã hội hóa theo cơ chế thị trường, khung giá do Nhà nước quản lý. Như vậy vẫn đúng theo nghị quyết Quốc hội.
Ông Vinh cũng cho rằng, qua quá trình triển khai chương trình mới cho thấy tình trạng không đồng bộ giữa các khâu: thiết kế, xây dựng, thẩm định chương trình; SGK mới; thi cử; kiểm tra, đánh giá trên lớp. Chương trình được xây dựng chi tiết nhưng lại thiếu tiêu chí phù hợp với điều kiện giáo viên.
Thời điểm này, SGK lớp 4, 8, 11 đang trong giai đoạn thẩm định và SGK lớp 5, 9, 12 của các tổ chức, cá nhân đang biên soạn. Để tránh bất cập, hạn chế với SGK mới, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm, Bộ GDĐT cần rà soát lại chương trình. Đặc biệt, ông nhấn mạnh tới vấn đề “sạn” trong SGK như xã hội, truyền thông phản ánh trong thời gian qua cần phải được chỉnh sửa.
Đồng thời, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng kiến nghị, cần đổi mới thi cử; kiểm tra, đánh giá trên lớp học theo đúng mục tiêu đổi mới giáo dục.
Tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định đợt 2 SGK lớp 4 và Ngoại ngữ 1 từ ngày 31/10
Bộ GDĐT vừa có thông báo số 1421 về việc tổ chức thẩm định đợt 2 SGK lớp 4 và SGK môn Ngoại ngữ 1.
Theo đó, việc tổ chức thẩm định đợt 2 SGK lớp 4 và các SGK môn Ngoại ngữ 1 của các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục phổ thông Ngoại ngữ 1 yêu cầu:
Hồ sơ đề nghị thẩm định SGK thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư 33 và Thông tư 5, trong đó số lượng bản mẫu; thuyết minh về bản mẫu SGK đề nghị thẩm định (tên SGK; phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của tổng chủ biên, chủ biên, nếu sách có tổng chủ biên, chủ biên, tác giả; mục đích biên soạn, đối tượng và phạm vi sử dụng; cấu trúc, nội dung; báo cáo quá trình và kết quả thực nghiệm; báo cáo việc tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu các ý kiến nhận xét đánh giá bản mẫu SGK của giáo viên, giảng viên, các nhà khoa học, nhà giáo dục).
Bản phân phối chương trình đối với mỗi bản mẫu SGK tương ứng với mỗi bản mẫu SGK của mỗi môn học: Toán, Tiếng Việt: 20 bộ; các môn học, hoạt động giáo dục còn lại: 15 bộ.
Mẫu đơn đề nghị thẩm định SGK theo quy định tại Thông tư 33. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 31/10 đến hết ngày 15/11/2022.