Bán lẻ xăng dầu đang gặp khó ở đâu?
Lại tái diễn cảnh hết dầu, hết xăng tại một số cây xăng phía Nam. Đó phải coi là điều lặp lại bất thường và đáng lo ngại vì rằng nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt vào thời điểm cuối năm sẽ gây tác động xấu.
Nhiều cửa hàng bán lẻ kêu không nhận đủ hàng
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến ngày 24/10, có 12 doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu trên địa bàn lâm vào cảnh hết xăng, còn dầu, 1 DN hết dầu còn xăng và 2 DN hết cả xăng lẫn dầu.
Chủ một số DN bán lẻ xăng dầu cũng cho biết, nguồn hàng họ nhận được chỉ đạt 30%-50% so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra mức chiết khấu mà thương nhân cung cấp xăng dầu đưa ra quá thấp, nhiều thời điểm bằng 0 đồng nên các đại lý kinh doanh thua lỗ, chưa chủ động nhập hàng.
Tại một số diễn đàn tập hợp ý kiến nhiều chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng khẳng định họ không có hàng để bán nên bán cầm chừng, với quy định xe máy bán 50.000 đồng/ lượt, ô tô 200.000 đồng/ lượt.
Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, nối các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu hiện vẫn còn nhiều trạm xăng đóng cửa hoặc treo biển hết hàng. Cũng có một số nơi mở cửa nhưng bán cầm chừng với mức 20.000-30.000 đồng một lượt.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện tại các DN xăng dầu vẫn đang rất khó khăn. Đối với khối lượng xăng dầu Bộ Công thương giao, các DN chắc chắn phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium (là khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán) đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí DN sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến DN không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.
Do đó, vẫn theo ông Bảo, để bảo đảm được cho các DN có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ Công thương đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.
Cùng đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đề xuất Bộ Công thương thống nhất với Bộ Tài chính rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi một lần thì 3 tháng thay một lần, để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho DN.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược quan trọng, có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá cả hàng hóa, tới CPI của nền kinh tế. Vấn đề cốt lõi hiện nay là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh để thiếu hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội. Ông Long cho biết thêm, theo quy định tại Nghị định số 95 ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu được tính trên 4 yếu tố chủ yếu, đó là: Giá xăng dầu thành phẩm thế giới; các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; các khoản thuế.
“Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải đảm bảo nguồn cung. Đồng thời, các DN cũng cần có kế hoạch tìm nguồn hàng phù hợp, sắp xếp quản trị DN hiệu quả để tiết giảm chi phí hoạt động kinh doanh. Vừa qua xuất hiện tình trạng các DN găm hàng, ngừng bán là bởi chu kỳ điều hành giá dài dẫn đến giá trong nước và giá thế giới chênh lệch cao. Nếu chúng ta điều chỉnh thời gian điều hành giá nhanh hơn nữa thì thị trường xăng dầu sẽ vận hành ổn định hơn” - ông Long nói.
Mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu
Theo nhận xét của ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nguyên nhân việc DN kinh doanh xăng dầu thì kêu lỗ, một số nơi đứt đoạn nguồn cung... cái gốc chính là cung cầu xăng dầu căng thẳng không đáp ứng đủ cầu và đứt gãy nguồn cung ở nhiều nơi.
Hầu hết các thương nhân phân phối khó mua được hàng (thậm chí không mua được hàng của các thương nhân đầu mối) dẫn đến thiếu nguồn cung ứng cho hệ thống bán lẻ thuộc hệ thống của mình. Hệ quả là hệ thống bán lẻ này có những cửa hàng bị bỏ rơi, không có hàng để bán. Mặt khác, giá bán lé không bù đủ giá vốn, gây lỗ, do các chi phí như premium, tỷ giá, chi phí kinh doanh định mức không được tính đúng, tính đủ buộc các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối phải ứng xử theo cách, trước hết đảm bảo an toàn lợi ích của mình trên cơ sở bán hàng cho hệ thống bán lẻ theo giá bán buôn bằng giá bán lẻ, như vậy đương nhiên chiết khấu bán lẻ bằng 0 đồng.
Do vậy, theo ông Thoả, nên cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu không chỉ ở thị trường có thuế suất ưu đãi mà ở cả thị trường có mức thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung. Cùng đó là điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng tính đủ thực tế hiện nay. Bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu, bởi quy định này luôn xảy ra tình trạng không thương nhân đầu mối nào chủ động được lượng hàng cho thương nhân phân phối và thương nhân phân phối dễ bị thương nhân đầu mối bỏ rơi khi lượng hàng khan hiếm.
Bên cạnh đó, theo ông Thỏa, nên đổi mới chu kỳ tính giá theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, các DN sản xuất và DN đầu mối, thương nhân phân phối cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh, phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các DN nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước. Các DN sản xuất cần phải chuyên nghiệp và áp dụng kỷ luật khắt khe hơn với DN đầu mối để kế hoạch sản xuất và kế hoạch phân phối phải ăn khớp với nhau, tránh tình trạng "ký hợp đồng xong để đấy”.
Các DN đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao của Bộ Công thương, nhất là thời điểm cuối năm.
Ngoài ra, các DN đầu mối, kể cả các thương nhân phân phối phải bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định, bảo đảm lượng nhưng phải bảo đảm đúng quy trình;Các DN đầu mối và thương nhân phân phối sẽ phải triển khai ứng dụng phần mềm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, kết nối từ Bộ Công thương đến với các DN sản xuất, DN đầu mối, thương nhân phân phối nhằm minh bạch hóa thông tin, thuận lợi hóa trong quản lý lưu thông và bảo đảm công bằng giữa các DN với nhau.