Đẩy nhanh tiến độ đấu thầu thuốc
Việc bệnh nhân Bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự mua thuốc có thể tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT nếu cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh nhân không nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về BHYT...
Đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT
Đề cập về chính sách BHYT, đặc biệt là công tác chi trả từ quỹ BHYT, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Quỹ BHYT đã chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho 106,5 triệu lượt người với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến việc chi trả, thanh toán tiền thuốc, vật tư cho bệnh nhân ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban Thực hiện chính sách y tế BHXH Việt Nam cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Y tế để bộ có hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các thủ tục như hóa đơn chứng từ, đến đâu để nộp, thời hạn thanh toán và đang chờ ý kiến hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Việc thanh toán BHYT với những người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế theo chỉ định của bác sĩ sẽ được tiến hành chặt chẽ, tránh tình trạng trục lợi" - ông Phúc nói.
Cũng theo BHXH Việt Nam, đến hết ngày 31/12/2022, nhiều gói thầu về thuốc, vật tư y tế hết hiệu lực. Một số loại thuốc cần tiếp tục gia hạn. Thời gian không còn nhiều, do đó các bên liên quan cần tập trung thực hiện các gói thầu, tiến hành việc gia hạn một số loại thuốc, đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá với một số loại thuốc, nhất là những thuốc đặc biệt quan trọng, qua đó bảo đảm tốt nhất các quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Về việc nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong tình trạng "treo" BHYT đại diện BHXH Việt Nam cho hay, do tại thời điểm quyết toán, các cơ sở khám, chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, chưa thuyết minh được nguyên nhân vượt quyết toán. Với chi phí BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được thanh toán, các đơn vị đã phối hợp quyết liệt xử lý. Cụ thể, đã thành lập 4 đoàn công tác làm việc với 8 cụm trên cả nước. Chi phí cần xử lý khoảng 1.700 tỷ đồng, trong đó một số đã được đưa vào quyết toán năm 2021, một phần đã được đưa vào thẩm định báo cáo hội đồng quản lý.
Nợ gần 15 nghìn tỷ đồng BHXH
Liên quan đến việc thu hồi nợ BHXH, ông Đinh Duy Hùng - Phó trưởng ban Quản lý thu, sổ - thẻ, BHXH Việt Nam cho biết, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 14.577 tỷ đồng, chiếm 3,38% số phải thu. Theo BHXH Việt Nam, năm 2021 và 9 tháng năm 2022, đã phát hiện tới 92.380 người chưa tham gia bảo hiểm; đóng thiếu thời gian, đóng thiếu với số tiền truy đóng là 246,6 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 127,5 tỷ đồng, 9 tháng năm 2022 là 119 tỷ đồng).
Mặc dù BHXH Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra tình trạng nợ đọng và chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, song việc chậm đóng vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Lý giải thêm về tình trạng nợ đọng BHXH, ông Phạm Tuấn Cường - Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra - kiểm tra BHXH Việt Nam cho biết, trước đây các doanh nghiệp thường né tránh đoàn thanh tra, không làm việc hoặc cử người không có thẩm quyền tham gia làm việc khiến công tác thanh tra khó xử lý. Đến nay, khi công tác thanh tra được cơ quan BHXH phối hợp với ngành công an thực hiện, doanh nghiệp mới khắc phục việc chậm đóng, đóng thiếu.
Chỉ trong 2 tháng, tháng 8 và tháng 9/2022, ngành BHXH đã thanh tra đột xuất tại 2.233 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên và có số nợ lớn. Sau thanh tra, ngoài việc yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động thực hiện kịp thời nghĩa vụ phải đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp mới phát sinh còn thu hồi hơn 250 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm cũ.
Liên quan đến việc thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng, việc quy định tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa thực sự phù hợp đối với những địa phương tập trung đông bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT và những cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trọng điểm. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số cơ sở y tế chi vượt trần vào năm 2021, hiện chưa thể thanh toán, quyết toán BHYT. Vì thế, đã có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nên hay không nên quy định tổng hạn mức thanh toán BHYT. Nếu không quy định hạn mức thanh toán, bệnh nhân có cơ hội được hưởng nhiều quyền lợi hơn.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc nêu rõ, phương pháp xác định tổng mức thanh toán BHYT hằng năm là công cụ để kiểm soát gia tăng chi phí không hợp lý của phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, chống lãng phí. Quy định về tổng mức thanh toán được xây dựng dựa theo nguyên tắc xác định tổng mức thanh toán đa tuyến tương tự các quy định trước đó, nhưng có sự điều chỉnh trên cơ sở khoa học, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng, giảm khách quan của từng cơ sở khám, chữa bệnh.