Hiện tượng biển xâm thực diễn ra nghiêm trọng trong thời gian qua đã cuốn trôi nhiều diện tích rừng phòng hộ và ngày càng lấn sâu vào khu dân cư ở xã Xuân Hội. Theo ghi nhận của phóng viên, tại bờ biển xã Xuân Hội, tình trạng sạt lở đã diễn ra trong nhiều ngày nay, nguyên nhân do sóng lớn đánh vào bờ. Khu vực rừng phòng hộ cũng bị sóng biển đánh sạt lở, khiến hàng trăm cây phi lao có bán kính 20cm bị bật gốc. Toàn xã Xuân Hội có khoảng 5 km bờ biển bao quanh và tổng chiều dài bờ biển đang bị sạt lở khoảng hơn 2km, vị trí bị sóng ăn vào sâu nhất là 10m. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra tại địa phương đã tồn tại từ năm 2020 cho đến nay, sạt lở mạnh nhất từ sau bão số 6 vừa qua, đoạn sạt lở không có người dân sinh sống, chỉ ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đang nỗ lực đưa ra các biện pháp chống sạt lở bờ biển này, tuy nhiên chưa có kết quả khả quan. Người dân sinh sống tại xã Xuân Hội bày tỏ lo lắng khi triều cường, sóng biển đã và đang tiếp tục đánh gục rừng phi lao phòng hộ nguy cơ tiến sát vào tuyến đê chắn sóng. Trước tình trạng đó, người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng để đưa ra các phương án nhằm ứng phó trước mắt cũng như lâu dài Tình trạng triều cường và sóng biển lớn làm sạt lở đất, cuốn đổ sập cây phi lao phòng hộ chắn sóng trước đê ở dọc ven biển xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, ăn sâu vào gần tuyến đê nhưng chưa có cách nào để khắc phục, ngăn chặn hiệu quả. Tại hiện trường, hàng trăm cây phi lao bị sóng đánh bật gốc, người dân địa phương bất an nếu tình trạng này không xử lý sớm thì gần 40 héc ta rừng phòng hộ sẽ bị uy hiếp. Chính quyền địa phương đã họp dân để tìm cách ứng phó mỗi khi có mưa lũ đồng thời có văn bản trình lên UBND huyện Nghi Xuân để xin nguồn vốn khắc phục triệt để nhưng chưa có vốn.
Cẩm Kỳ