ĐBQH quả quyết: 'Làm đúng thì không có gì phải ngại'
ĐBQH bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".
Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu vấn đề việc chậm giải ngân tại các công trình dự án trọng điểm quốc gia, công trình dự án quan trọng của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội.
Theo bà Yên, đây là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng, khi một trong các kênh phục hồi kinh tế quan trọng, là kích cầu đầu tư, chưa phát huy được hiệu quả tích cực của nó như đã được thiết kế và kỳ vọng.
Bà Yên cho rằng việc giải ngân chậm một phần do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án; hay do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ. Tuy nhiên yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.
“Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển”-bà Yên nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, theo bà Yên, nếu cấp cơ sở sợ trách nhiệm, đùn đẩy thì khó có thể thúc đẩy xã hội có thể phát triển.
“Nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước vì dân thì có gì phải ngại, vì đứng đằng sau chúng ta vẫn còn có một tập thể lãnh đạo, có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”-bà Yên nói và mong muốn Chính phủ siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển công việc khác phù hợp hơn với sở trường.
Trước đó, ngày hôm qua trong phát biểu trước Quốc hội, ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ, lãnh đạo, quản lý.
“Có cán bộ tâm sự rằng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”-ông Thông nói và cho rằng có hai nguyên nhân chính.
Theo đó, đầu tiên là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, vấn đề này áp dụng luật này là đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra lại sai, áp dụng vào thời điểm này đúng nhưng kiểm tra thời điểm sau lại sai.
Một trong những vấn đề dễ sai nhất là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, việc xác định giá đất hầu như là các yếu tố giả định nên không chính xác.
Ông dẫn lại việc tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3/2022 với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan tới đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính có phát biểu là phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định 44, thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi.
Tuy nhiên đến nay các nội dung này chưa sửa đổi. Thực tế tại các địa phương có rất nhiều dự án lớn, rất lớn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư. Do đó ông đề nghị Chính phủ sớm sửa chữa.
Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành kết luận chủ trương nhưng vẫn chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật nên cán bộ rất ngại, không dám đột phá, làm cầm chừng.
Từ đó ông Thông đề nghị, các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát cơ chế chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp thực tế, sớm cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng các văn bản pháp luật.