Hà Nội dự kiến thu phí vào nội đô: Liệu có khả thi?

T.Hằng-T.Như 29/10/2022 07:00

Trước nhiều ý kiến trái chiều về đề án thu phí vào nội đô, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đề án; trong đó có thời gian, lộ trình thực hiện. Việc thu phí vào nội đô, liệu có gây nên tình trạng phí chồng phí?

Dự kiến vị trí đặt một số trạm thu phí vào nội đô.

Có giảm được phương tiện cá nhân?

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) và Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải - Trường Đại học Giao thông Vận tải (đơn vị xây dựng Đề án thu phí vào nội đô) cho biết: Các đơn vị tư vấn đề án cũng đã báo cáo kết quả khảo sát một số bộ phận người dân cho ý kiến về đề án. Đối tượng khảo sát là hành khách đi trên các phương tiện công cộng như xe buýt, BRT và trên hệ thống cổng giao tiếp trực tuyến.

Kết quả khảo sát được HPTC báo cáo, đã có trên 1.000 phiếu khảo sát được phát ra và thu lại. Qua thống kê, phân loại các phiếu khảo sát này, có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo; 27,1% không ủng hộ.

Với các phiếu điều tra xã hội học cho thấy, mức phí mà đối tượng được lấy ý kiến chấp nhận được là 22.300 đồng/lượt xe vào nội đô (mức đề án đưa ra thấp nhất là 50.000/lượt; cao nhất 100.000 đồng/lượt).

Theo đề án, Hà Nội dự kiến thu phí vào nội đô chia làm 3 giai đoạn và bắt đầu thí điểm năm 2024. Giai đoạn thí điểm, sẽ thu phí trên 9 trục đường nội đô có lưu lượng giao thông lớn, nguy cơ ùn tắc cao. Mức thu phí được xác định ít nhất 50.000 đồng và cao nhất 100.000 đồng/lượt xe ô tô. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Đến ngày 30/11/2025, sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và giai đoạn 3.

Trước đó, vào năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết thực hiện “Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nội dung chính của đề án là giảm thiểu phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, phương án thu phí phương tiện xe cơ giới sẽ chỉ nghiên cứu áp dụng đối với một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cao tại Thủ đô. Loại phí này sẽ có tên định danh là “Phí giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”. Người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo cung đường khác hoặc phương tiện công cộng thuộc diện không phải đóng phí, nghĩa là loại phí không bắt buộc.

Vậy nhưng, kỳ vọng giảm ùn tắc liệu có thành hiện thực khi nhiều người dân cho rằng, để có thể sở hữu được chiếc xe ô tô đến khi xe lăn được bánh, người dân đã phải chịu rất nhiều loại thuế, phí. Tính ra có phí đường bộ, phí kiểm định hàng năm… giờ lại chịu thêm phí ra vào trung tâm thì đó là phí chồng phí.

Cần một cuộc cách mạng về giao thông

Chia sẻ ý kiến về việc lập trạm thu phí vào nội đô Hà Nội, anh Nguyễn Hoàng Hải - một tài xế xe dịch vụ cho rằng, giống như khi xăng tăng giá lên hơn 30.000 đồng/lít thì có việc cần vẫn phải đi, nên dù có thu phí cũng khó ngăn được phương tiện vào nội đô, chỉ có điều chi phí này thì khách hàng phải gánh, còn lái xe thì tìm cách ứng phó. "Chạy xe dịch vụ thì tiền ấy sẽ đánh vào người sử dụng dịch vụ, ảnh hưởng tới mức chi phí của những người sử dụng dịch vụ. Rồi chủ xe thì có thể phải tính việc nhờ người ở trong nội đô đứng tên xe để giảm bớt chi phí bởi tôi có nghe là các xe ở trong nội đô sẽ được giảm phí" - anh Hải nói.

Nhiều người dân cũng cho rằng Đề án thu phí các phương tiện vào nội đô còn quá nhiều bất cập, chưa chắc có thể giảm ùn tắc trong nội đô, thậm chí việc thu phí sẽ khiến người dân chuyển vào trong nội đô sống nhiều hơn, khiến không gian càng chật chội hơn.

Chuyên gia kinh tế - GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, ngoài việc phí chồng phí thì đây là đề án khó khả thi. Với mật độ nhà chung cư cao chọc trời xây ken đặc, các tuyến đường metro ì ạch xây dựng mãi không xong thì việc giảm ùn tắc nội đô cần một cuộc cách mạng về giao thông một cách toàn diện chứ không thể là việc dựng barie lên thu phí.

“Chưa kể người dân có quyền vào nội đô để làm việc và kiếm sống. Nhà người dân ở nội đô thì nhu cầu đi lại là chính đáng, vậy thu phí phương tiện như thế nào cho công bằng” - ông Đào nói.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) cũng cho rằng, trước khi bàn về tính khả thi thì cần nhìn nhận ô tô có phải là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông hay không. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, hiện nay Hà Nội đang có khoảng 7.654.081 phương tiện, trong đó có 1.029.347 ô tô, 6.446.531 mô tô, 178.203 xe máy điện. Như vậy, số xe ô tô chỉ chiếm hơn 15% trong tổng số phương tiện, trong khi gần 85% là xe máy và các loại xe khác.

Mặt khác, việc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng bất cập, bởi hệ thống mạng lưới các tuyến giao thông phục vụ công cộng chưa đồng bộ, vậy nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân về di chuyển.

Luật sư Đô cũng cho biết, đề xuất thu phí người sử dụng (chủ xe) khi sở hữu một chiếc ô tô đã và đang phải chịu rất nhiều loại thuế, phí khác nhau, như thuế GTGT và lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường... thì việc “cõng” thêm khoản phí vào nội đô cũng sẽ là mối quan tâm lớn đối với các chủ sở hữu xe ô tô.

Vẫn theo Luật sư Đô, thay vì việc sử dụng kinh phí để thiết lập hạ tầng nhằm thực hiện đề xuất thu phí, có thể chuyển nguồn kinh phí sang việc thiết lập đồng bộ về hạ tầng giao thông công cộng như đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường sắt đô thị, mở rộng hệ thống các tuyến buýt phố và gia tăng các điểm đón - trả hành khách của các tuyến. Bởi khi quy định đưa ra, người dân sẽ có rất nhiều sự lựa chọn nhằm “né tránh” khoản phí trên như thuê/mua nhà ở trong khu vực thiết lập trạm thu phí nội đô và dẫn tới đối lập với chính sách thiết lập các khu đô thị vệ tinh để giãn dân trong khu vực nội đô.

Theo các chuyên gia ngành giao thông, phải xác định việc thu phí xe vào nội đô với mục đích không phải tăng thu ngân sách mà mục tiêu hướng tới là thay đổi hành vi người sử dụng phương tiện cá nhân; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển vào nội đô. Do đó, các đô thị như Hà Nội, TPHCM cần tính tới các giải pháp để quản lý phương tiện vào khu vực trung tâm một cách phù hợp hơn. Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc thu phí ô tô vào trung tâm Thủ đô ảnh hưởng đến hàng triệu người dân nên cần xem xét, lấy ý kiến sâu rộng hơn. Theo ông Liên, chưa đủ điều kiện để thu phí nội đô trong thời gian tới. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ hạ tầng giao thông Hà Nội còn manh mún, tình trạng ùn tắc chưa thể giải quyết. “Bài toán giờ không phải là thu phí nội đô, mà là tổ chức giao thông như thế nào cho phù hợp. Giao thông công cộng thật sự tiện lợi mới thu hút được người dân tham gia, hạn chế phương tiện cá nhân”- ông Liên nói.

T.Hằng-T.Như