Suýt ngưng tim vì cọc nhọn đâm vào chân
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa điều trị thành công một bệnh nhân (66 tuổi) bị uốn ván, khi nhập viện đã trong tình trạng sắp ngừng thở, ngừng tim. Trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân không may bị cọc nhọn đâm vào bàn chân trái dẫn đến vết thương bị nhiễm trùng.
Khởi đầu bệnh nhân xuất hiện cứng hàm không há được miệng, không ăn uống và ho được. Sau đó bệnh tiến triển rất nhanh dẫn đến tình trạng co cứng toàn thân, xuất hiện các cơn co giật trên nền co cứng. Lúc này, bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu.
TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, sắp ngừng thở, người cứng như khúc gỗ, hai hàm răng cắn chặt, không nuốt, không ho khạc được, không đặt được ống nội khí quản, co giật toàn thân trên nên co cứng. Trước tình trạng nguy kịch, ê kíp đã nhanh chóng mở khí quản cấp cứu người bệnh, cho bệnh nhân thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, điều trị và chăm sóc tích cực.
Trong tuần đầu nhập viện, gia đình đã nhiều lần xin cho bệnh nhân thôi điều trị vì lo ngại bệnh nhân tử vong ở bệnh viện mà không kịp đưa về nhà. Với kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân uốn ván trước đây, các thầy thuốc đã động viên, thuyết phục người nhà để bệnh nhân ở lại điều trị vì cơ hội sống sót là vẫn còn mặc dù quá trình điều trị và chăm sóc sẽ rất khó khăn và kéo dài.
Sau hơn 1 tháng điều trị, chăm sóc tích cực bằng thở máy, lọc máu, kháng sinh, dùng thuốc trung hòa độc tố uốn ván, tập phục hồi chức năng, với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, sức khỏe của bệnh nhân được hồi phục. Bệnh nhân cai được máy thở, rút được ống mở khí quản, ăn uống và đi lại được. Mới đây, bệnh nhân đã được xuất viện trong sự vui mừng của tất cả mọi người.
Bác sĩ Tình khuyến cáo, uốn ván là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, nên mọi người cần cảnh giác phòng tránh bệnh. Nha bào uốn ván thường có trong đất, cát bụi, phân trâu, bò, ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt khuẩn kỹ, sắt thép gỉ... Chúng xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván.
Để phòng tránh bệnh uốn ván, khi bị vết thương, đặc biệt vết thương bẩn cần xử lý đúng cách, rửa vết thương bằng nước sạch để trôi chất bẩn; rửa lại vết thương bằng nước ô xy già từ 3-4 lần; sát trùng bằng cồn iod tại vết thương và quanh vết thương; dùng băng vô khuẩn để băng vết thương, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván. Phụ nữ mang thai cần tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván để phòng uốn ván khi sinh. Đưa trẻ nhỏ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng bệnh.