Để du lịch Thủ đô thực sự phục hồi
Mặc dù đã đạt được những con số ấn tượng kể từ khi trở lại bình thường mới, nhưng vấn đề khó khăn hiện nay của ngành du lịch Thủ đô là lượng khách du lịch quốc tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Trước việc đón khách quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế.
Trên đà hồi phục
Theo số liệu Sở Du lịch Hà Nội, trong 10 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 15,38 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt gần 983.000 lượt khách, gần đạt được chỉ tiêu đề ra của năm 2022.
Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 10 tháng qua ước đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 43,69 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 10/2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên địa bàn Hà Nội ước đạt 43,8%, tăng 1% so với tháng trước và tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 10 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 35%, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch sau Covid-19, Trưởng ban quản lý Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) Nguyễn Đăng Thạo cho biết, sau khi ngành du lịch được “mở cửa” hoạt động trở lại, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm đã kết hợp với huyện Ba Vì xây dựng tour mới theo hướng văn hóa tâm linh phối hợp nghỉ dưỡng, qua đó, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. “Thông qua những hoạt động này, lượng khách đến Đường Lâm tăng 30% so với cùng kỳ, lượng khách đang dần đi vào ổn định” - ông Thạo cho biết.
Mặc dù nhiều tiềm năng nhưng du lịch Hà Nội chỉ đứng thứ 6 cả nước trong quá trình cạnh tranh thu hút khách. Vì vậy, muốn hút khách đòi hỏi ngành du lịch phải có sự thay đổi trong việc xây dựng, quảng bá, quản lý tour theo hướng liên kết giữa các địa phương, thế giới, trước mắt nên chú trọng xây dựng tour nghỉ dưỡng, MICE, khám phá, từ đó, thu hút lượng khách quốc tế ổn định.
Ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cho rằng, ngành du lịch cả nước, đặc biệt là ngành du lịch Thủ đô đang trên đà phục hồi nhanh sau dịch Covid-19, đây thực sự là điều rất đáng mừng. Nhưng mục tiêu để Thủ đô có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Xây dựng nhiều sản phẩm mới
Theo các chuyên gia du lịch, để bảo đảm phục vụ khách du lịch tốt hơn, tiếp tục duy trì lượng khách nội địa, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo uy tín cho du lịch Thủ đô.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh phối kết hợp trong xây dựng quy hoạch du lịch theo hướng mở rộng, không bó hẹp từng địa phương. Đặc biệt, ngành du lịch cần đẩy mạnh quảng bá các tour, điểm du lịch đến tới du khách quốc tế, từ đó, hỗ trợ các điểm du lịch thu hút du khách. Hà Nội cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực; chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.
Còn Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo phân tích, để tăng thêm lượng khách quốc tế trong thời gian tới, việc xây dựng sản phẩm du lịch rất quan trọng. Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng các đơn vị, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, làng nghề có sẵn, như tour du lịch Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Đường Lâm… Trong đó, tăng cường những sản phẩm mới như tour đêm, tour du lịch mùa lúa chín, du lịch khinh khí cầu, du lịch thể thao…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ mở lớp tập huấn để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Sở sẽ rà soát các cơ sở lưu trú hiện tại bị xuống cấp để hỗ trợ các đơn vị có động lực tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm mới...
Để du lịch nông nghiệp Thủ đô trong đó có các làng nghề truyền thống phát triển hơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến cho rằng, trước hết, các cơ quan chức năng phải xây dựng quy hoạch du lịch tiềm năng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là tiếp tục nhân rộng một số mô hình điểm, tương tự như mô hình tại làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc đang triển khai. Quá trình xây dựng mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp, làng nghề, cần có sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế, chính sách; đồng thời cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành.