Loay hoay dạy văn hóa trong trường nghề
Mô hình đào tạo văn hóa trong trường nghề còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó có việc Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT) chưa ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT dành cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) khiến không ít học viên băn khoăn với lựa chọn học nghề.
Theo thống kê, cả nước hiện có 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa vừa học nghề hay gọi là hệ 9+. Mô hình này đang tạo ra sức hút lớn khi rút ngắn thời gian đào tạo, học sinh tốt nghiệp có 2 bằng THPT và bằng trung cấp nghề, có thể sớm gia nhập thị trường lao động đồng thời có thể liên thông lên các trình độ cao hơn.
Vì vậy, nhiều em sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký hệ 9+ của các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp trong cả nước nên nhìn chung đây vẫn là thế mạnh tuyển sinh của nhiều trường trong khi hệ CĐ lại chật vật tuyển sinh hơn.
Bà Trần Thị Thúy Lan - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Phú Thọ cho biết, đến thời điểm này nhà trường mới tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu đặt ra, trong đó khối CĐ tuyển được khoảng 60% trong số 250 chỉ tiêu. Một trong những nguyên nhân khiến công tác tuyển sinh gặp khó khăn đó là năm nay, theo chỉ đạo của địa phương, học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu vừa học văn hóa vừa học nghề phải về trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) học. Điều này dẫn đến việc nhu cầu của học sinh lớn, nhà trường tuyển được nhiều nhưng không được dạy song bằng. Kết quả là nhiều học sinh không chọn trường nghề mà quay về trung tâm GDTX học.
Khi các trường đại học (ĐH) có đến 20 phương thức tuyển sinh khác nhau và cũng tuyển nhiều đợt, nhiều thí sinh đã tìm đến với trường ĐH thay vì chọn học nghề. Nhất là khi với mức điểm vừa phải, chỉ 16-18 điểm thí sinh đã đỗ ĐH cùng ngành với trường nghề đào tạo thì việc trường nghề chật vật tuyển sinh là điều có thể nhìn thấy trước.
Từ năm 2020, Bộ GDĐT quy định các cơ sở GDNN không được trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy chương trình GDTX bậc THPT cho hệ 9+. Điều này đã nảy sinh không ít bất cập khi chất lượng đào tạo không đổi, song lại phát sinh thêm đơn vị quản lý, gây ra sự chồng chéo, lãng phí và không hiệu quả.
Theo ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, việc dạy văn hóa cho học sinh của trường bắt buộc phải phối hợp, liên kết với một trung tâm GDTX, mà trung tâm đó lại do Sở GDĐT quản lý. Cùng một lúc học sinh phải chịu sự quản lý của nhiều cơ sở giáo dục khác nhau nên người học đắn đo với mô hình 9+.
Bà Phạm Thị Lan Phương - Hiệu trưởng Trường CĐ cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc cho biết, nhà trường cũng như các cơ sở GDNN khác đang chờ đợi văn bản quy định của Bộ GDĐT về dạy văn hóa trong trường nghề để thuận lợi trong tuyển sinh và đào tạo, hướng dẫn học viên. Hiện Bộ GDĐT mới chỉ cho phép các cơ sở đào tạo tạm áp dụng theo Thông tư số 16 của Bộ quy định về chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp, thời lượng khoảng trên 1.000 tiết. Tuy nhiên, thông tư này đã hết hiệu lực từ năm 2019.
Bên cạnh đó, nhiều đại diện các trường cũng bày tỏ mong muốn việc dạy văn hóa của trường nghề có sự khác biệt, không dừng lại ở việc dạy lý thuyết thuần túy mà các môn cần có tính ứng dụng gắn với kỹ năng nghề.
Trước đó, đầu tháng 4/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với nhiều bộ về vấn đề giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục phổ thông trong các trường nghề. Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng chỉ đạo, đối với hơn 300 trường nghề trước đây đang đào tạo hệ 9+ (dạy văn hóa THPT) và hiện tại, đang tiếp tục tuyển sinh, thì tới đây Bộ GDĐT sẽ phải có hướng dẫn rất cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục. Về lâu dài, tiếp tục thực hiện trên tinh thần như vậy nhưng phải tuân theo quy định của Luật Giáo dục. Nghĩa là, chỉ có các trung tâm GDTX được chủ động hoặc kết hợp với trường phổ thông để dạy chương trình văn hóa bậc THPT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, Bộ GDĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định khối lượng kiến thức dạy văn hóa trong các trường nghề. Việc này mặc dù Bộ GDĐT đã nghiên cứu, soạn thảo nhưng vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau về mức độ kiến thức thế nào là “vừa”, để các học sinh vừa bảo đảm kiến thức theo mặt bằng chung nhưng vẫn phải đảm bảo thời gian học nghề của học sinh. Bộ cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện, để ban hành trong thời gian sớm nhất.