Vinh danh 80 tác phẩm đoạt Giải báo chí 'Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc'
Tối ngày 29/10, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022.
Tham dự Lễ trao giải có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Giải; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, MTTQ Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các vị trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các tác giả nhóm tác giả có tác phẩm báo chí được vinh danh tại lễ trao giải.
Báo chí đồng hành cùng Mặt trận
Là một trong những giải báo chí quốc gia quan trọng, uy tín, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003. Trải qua gần 20 năm tổ chức, Giải luôn nhận được sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cả nước với số lượng tác phẩm tham dự năm sau nhiều hơn năm trước.
Tiếp nối thành công của những lần tổ chức trước đây, trong mùa Giải thứ XV, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” có sự phối hợp tổ chức của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Sự đổi mới quan trọng này đã góp phần lan tỏa, huy động được nhiều hơn sự vào cuộc của các nhà báo trong phản ánh các nội dung gắn với chủ đề của Giải. Sau 2 năm triển khai, tính đến hết ngày 20/9/2022, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 2.090 tác phẩm dự thi hợp lệ của 5 loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Ban Chỉ đạo, Hội đồng sơ khảo và chung khảo đã nghiêm túc, trách nhiệm và công tâm trong quá trình chỉ đạo, tổ chức chấm, thảo luận đi đến thống nhất lựa chọn và đề nghị trao giải cho 80 tác phẩm thuộc 5 loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí.
Theo đánh giá của Hội đồng Chung khảo 80 tác phẩm đoạt giải năm nay là những tác phẩm ấn tượng, nổi bật bởi những phát hiện, ý tưởng có giá trị, truyền tải tới xã hội, cộng đồng những thông điệp mang tính xây dựng cao, bám sát thực tiễn, có tính thời sự, mang hơi thở cuộc sống, như phòng, chống dịch Covid-19, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, những cách làm sáng tạo đưa Nghị quyết của đảng vào cuộc sống, những tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng... góp phần cổ vũ và phát huy tinh thần đoàn kết, sức sáng tạo trong nhân dân, vì mục tiêu chung xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhiều tác phẩm báo in, báo điện tử được đầu tư công phu và chất lượng như các tác phẩm: “Ánh sáng vùng cao” - Báo Quảng Nam; tác phẩm “Hành trình đưa người lạc lối trở về” - Báo Quân đội Nhân dân; tác phẩm “Những điều giản dị nhưng thấm đẫm giá trị trong “ngôi nhà trí tuệ” - Báo Đại Đoàn Kết; tác phẩm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - Báo Lào Cai…
Các tác phẩm phát thanh, truyền hình tiêu biểu như “Kiều bào và hải trình đến Trường Sa và nhà dàn DK1 năm 2022” - Đài Truyền hình Việt Nam; tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa” - Đài Tiếng nói Việt Nam; tác phẩm “Như cánh chim không mỏi” - Đài PT-TH tỉnh Đắk Lắk; tác phẩm “Giữa lằn ranh sinh tử” - Truyền hình Công an nhân dân…
[Ảnh] Lễ trao giải Báo chí 'Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc' lần thứ XV
Lan tỏa, vun đắp cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc
Tại Lễ trao Giải báo chí “ Vì sự nghiệp Đại Đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, 5 giải A được trao cho các tác phẩm “Ánh sáng vùng cao” của tác giả Alăng Ngước đăng trên Báo Quảng Nam; tác phẩm “Hành trình đưa người lạc lối trở về” của nhóm tác giả: Nguyễn Xuân Hòa, Đặng Thu Hà đăng trên Báo Quân đội Nhân dân điện tử; tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa” của nhóm tác giả: Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hải Đăng phát sóng trên VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam; Tác phẩm “Kiều bào và hải trình đến Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2022” của nhóm tác giả: Phan Đình Việt Anh, Trần Thị Thu Hà, Mai Việt Nam, Vũ Quốc Dũng, Nguyễn Lan Giang phát sóng trên VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam; Tác phẩm phóng sự ảnh “Người đồng hành qua bóng tối” của nhóm tác giả: Trần Hải, Trần Thanh Giang, Ngọc Hoan đăng trên Báo Nhân dân điện tử.
Cùng với đó cũng có 14 giải B; 29 giải C; 32 giải Khuyến khích được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các loại hình báo chí.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm tham dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần XV, năm 2021-2022, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải khẳng định, qua mỗi kỳ tổ chức số lượng các đơn vị tham gia ngày một đông đảo hơn. Các tác phẩm dự thi ở các thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đều có chất lượng nâng lên đáng kể.
Ông Lê Quốc Minh tin tưởng, qua thành công của mùa Giải năm nay, trong những lần tổ chức tiếp theo, càng ngày số lượng bài tham dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” sẽ càng nhiều hơn, có chất lượng cao hơn để lựa chọn được những tác phẩm xứng đáng trao giải, qua đó truyền tải, lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc đến mỗi người dân Việt Nam.
Có mặt tại Lễ trao giải, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ những suy nghĩ về bài học vô cùng có giá trị và ý nghĩa trong lịch sử của dân tộc ta về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Nói về vai trò của báo chí trong việc lan tỏa và phát huy sức mạnh và tinh thần của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, GS. TSKH Vũ Minh Giang nhận định, có một đặc điểm của khối Đại đoàn kết là rất cần sự kết nối. Đoàn kết không thể là một vài cá thể mà phải có sức mạnh của một lực lượng đông đảo mà trong đó có lực lượng báo chí. Đây chính là lực lượng có thể kết nối mọi người, đưa ra những thông điệp, truyền tới những tình cảm để khối đại đoàn kết cùng nhìn về một hướng. Nếu như không có thông tin từ báo chí làm sao người dân cả nước biết miền Trung đang khó khăn như thế để rồi những phong trào vận động mọi người cùng vì miền Trung vượt qua khó khăn bão lũ. Hay như trong dịch Covid-19 nhìn nhân dân ta, đồng bào ta cùng vượt qua khó khăn mới thấy tình nghĩa cao cả của nghĩa đồng bào.
Từ ý nghĩa của buổi lễ trao giải báo chí của Mặt trận, GS. TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, báo chí và những người làm báo cần tiếp tục phát huy vai trò sứ mệnh của mình để là lực lượng liên kết, nâng lên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhấn mạnh tới vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022, khẳng định, trong những năm qua với tiếng nói chân tình, sâu sắc và trách nhiệm báo chí đã là người bạn đồng hành của MTTQ trong nhiệm vụ củng cố và phát huy khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tham gia tuyên truyền về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, báo chí đã bám sát và phản ánh chân thực việc tập hợp khối đại đoàn kết các giai tầng, các dân tộc, tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài; về các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; về sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các cấp, các ngành đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Báo chí cũng phản ánh kịp thời, sắc sảo việc thực hiện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò đại diện của Mặt trận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; việc thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
“Đặc biệt, trong thời điểm cả nước tay trong tay chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thông qua những tác phẩm báo chí, chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, về sự đồng tâm, hiệp lực khi “Ý Đảng hợp với lòng dân”, về giá trị sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Cũng từ đó, thông điệp của tình đoàn kết, yêu thương, lòng nhân ái, truyền thống yêu nước, tình nghĩa đồng bào đã được phát huy, khơi dậy mạnh mẽ để cả đất nước tiếp tục vững bước vượt qua những khó khăn thử thách”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu chia sẻ.
Lễ trao giải Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV khép lại cũng mở đầu cho hàng loạt hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022).
Qua thành công của sự kiện ý nghĩa này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu mong rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành đầy trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí, những người làm báo và các tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với công tác Mặt trận và các hoạt động do Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động và triển khai, từ đó góp phần củng cố, lan tỏa để mỗi người Việt Nam tiếp tục vun đắp cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Danh sách 80 tác phẩm đoạt giải Báo chí 'Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc' lần thứ XV
*Báo Đại Đoàn Kết có 3 tác phẩm đoạt giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”
Báo Đại Đoàn Kết có 3 tác phẩm đoạt giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV năm 2021-2022. Trong đó tác phẩm “Những điều giản dị nhưng thấm đẫm giá trị trong "ngôi nhà trí tuệ"” của nhóm tác giả: Dạ Yến, Hạnh Nguyên, Hà Vy, Anh Ngọc, Nghĩa Văn được trao giải B; Tác phẩm “Phát huy vai trò nêu gương của đảng viên” của nhóm tác giả: Phạm Xuân Hải, Trịnh Thị Tú Uyên, Đào Xuân Ngọc, Âu Phương Thảo, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Việt Thắng được trao giải C; Tác phẩm “Giữ mãi mạch nguồn tri ân” của nhóm tác giả: Nguyễn Đăng Quốc, Đặng Thị Hạnh, Đặng Viết Sơn, Đỗ Văn Nghĩa, Nguyễn Xuân Thi đoạt giải Khuyến khích.