Bộ Y tế tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc như thế nào?

PV 30/10/2022 07:10

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa có trả lời báo chí về giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và thiết bị y tế tại cuộc họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức, chiều 29/10.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: VGP.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương: Để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, từ đầu năm 2022, Bộ Y tế đã tập trung vào việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Đến nay, Bộ Y tế đã gia hạn được trên 10.000 thuốc có hiệu lực và tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31/12. Tại thời điểm hiện tại, có khoảng 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hiện đang có hiệu lực và khoảng trên 700 hoạt chất các loại nên đã đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Căn cứ diễn biến tình hình bệnh tật và báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung, giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung, các cơ sở cung ứng thuốc cũng nắm được biến động của thị trường dược phẩm để chủ động trong việc xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.

Một số giải pháp đảm bảo nguồn cung thuốc trong thời gian tới, theo Thứ trưởng thông tin: Thứ nhất, đổi mới tăng cường hiệu quả đối với công tác đăng ký lưu hành thuốc nhằm đảm bảo nguồn cung về thuốc. Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược theo hướng gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính.

Thứ hai, bổ sung các đơn vị thẩm định vào các Trường ĐH Dược và các Trường ĐH Y dược trực thuộc Bộ Y tế để tăng cường việc thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và cung ứng thuốc.

Bộ Y tế cũng xây dựng các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế.

Kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ với thuốc hiếm, thuốc đặc thù điều trị các bệnh hiếm gặp; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược triển khai sản xuất các thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Bộ Y tế cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở sản xuất thuốc để theo dõi nguồn cung các thuốc, điều tiết kịp thời việc nhập khẩu kinh doanh thuốc.

Hiện nay Bộ Y tế cũng đang làm đầu mối đánh giá tác động Nghị quyết 30 của Quốc hội ban hành năm 2021 về công tác phòng chống dịch. Căn cứ kết quả đánh giá, Bộ Y tế đề xuất Quốc hội tiếp tục cho phép Bộ Y tế gia hạn tự động đăng ký lưu hành thuốc để giải quyết tối đa thuốc cần phải gia hạn giấy đăng ký lưu hành, đảm bảo được nguồn cung cấp thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh.

PV