Xây dựng kế hoạch sử dụng sách giáo khoa nhiều năm
Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa phổ thông sau một thời gian thực hiện: Thực trạng và kiến nghị”, trong đó có đề cập tới việc xây dựng sử dụng sách giáo khoa nhiều năm và cho học sinh mượn sách giáo khoa đang được xã hội đặc biệt quan tâm.
Theo PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) môn Toán, thực tiễn triển khai thực hiện chủ trương đã thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Bên cạnh một số kết quả đạt được, còn bộc lộ những hạn chế bất cập làm cho xã hội chưa an tâm. Một số vấn đề được đặt ra là hiểu như thế nào cho đúng chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK phổ thông theo Luật Giáo dục 2019; chủ trương này thực sự có mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội hay như là một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; việc triển khai chủ trương này trong thời gian qua như thế nào? Cái được và chưa được là gì? Những vấn đề bất cập là gì? Để đạt được mục tiêu của chủ trương thì cần có sự điều chỉnh gì về chủ trương và giải pháp?
Với vai trò chủ biên, PGS.TS Đào Thái Lai chia sẻ một số ý kiến về biên soạn, thẩm định và lựa chọn SGK trong hai năm qua. Trên cơ sở thực trạng triển khai hoạt động này, ông đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện tổ chức viết, sử dụng SGK, bao gồm: phương thức lựa chọn SGK, giảm giá bán từng cuốn SGK, đưa yêu cầu giữ gìn sách và sử dụng sách nhiều năm ngay trang đầu quyển sách, thực hiện cho mượn SGK, lập kế hoạch dùng SGK nhiều lần, đảm bảo cung cấp SGK đúng thời điểm, cung cấp sách cho học sinh khi bị mất hoặc chuyển trường, cung cấp đủ các bộ sách để giáo viên tham khảo, tổ chức xây dựng bộ SGK điện tử cung cấp miễn phí trên mạng.
Theo PGS.TS Đào Thái Lai, việc lựa chọn SGK nên thực hiện theo phương thức đề ra năm đầu tiên, đó là để các trường xem xét và nghiên cứu rồi chọn sách phù hợp, đồng thời tham khảo các bộ SGK khác để bổ sung trong dạy học các bài cụ thể; điều này tránh được trường hợp cả tỉnh hoặc cả huyện chỉ dùng một bộ SGK.
Tiếp đến, việc giảm giá bán từng cuốn SGK có thể thực hiện được nếu Nhà nước quản lý. Muốn vậy, nên quy định về phí phát hành khoảng 15% giá bìa. “Thực tế hiện nay, chi phí phát hành cao hơn mức 15% giá bìa, cần phải có quy định về mức chi phí này. Ngoài ra, Nhà nước phải giám sát toàn bộ quá trình chi phí viết, biên tập, in ấn phát hành, từ tiền chi tác giả, tiền giấy, tiền in…”, PGS.TS Đào Thái Lai nêu quan điểm và nhấn mạnh việc phải minh bạch hóa chi phí thị trường, trong đó cần có giải pháp để triệt tiêu chi phí cho các khâu trung gian được các đơn vị xuất bản chi để mở rộng thị trường; nếu không làm được thì giá sách sẽ khó giảm, gánh nặng sẽ rơi vào người dân phải chịu.
Từ kinh nghiệm quốc tế, cụ thể là của Pháp khi quy định thời hạn sử dụng một cuốn sách khoảng 3 - 4 năm và có các quy định để đảm bảo cho việc này, theo PGS.TS Đào Thái Lai, ở nước ta cũng cần quy định cụ thể về yêu cầu giữ gìn và sử dụng sách nhiều năm bằng việc đưa yêu cầu này vào ngay trang đầu của SGK.
Theo đó, ở trang đầu mỗi cuốn sách sẽ ghi rõ: “Sách này sẽ được dùng trong nhiều năm, em hãy giữ gìn sách cẩn thận để các bạn năm sau dùng”. Tiếp theo, cần có một bảng gồm 4 dòng ghi tên học sinh sử dụng lần lượt theo các năm. Áp dụng theo cách này thì Nhà nước hoặc địa phương mua sách cho toàn bộ học sinh hoặc ít nhất mua cho cho các học sinh gặp khó khăn. Nhà trường phát cho mượn sách, cuối năm thu lại để các học sinh năm sau dùng. Trường hợp học sinh tự mua sách, cuối năm cần động viên các em nhường lại sách đó cho các bạn khóa sau dùng.
“Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, Phòng GDĐT, nhà trường đều xây dựng kế hoạch sử dụng sách nhiều năm một cách hợp lý. Trong kế hoạch có cả việc đảm bảo cơ sở vật chất để lưu giữ, bảo quản sách trong thư viện. Việc giám sát đảm bảo sử dụng sách nhiều lần cần được đưa vào tiêu chí đánh giá từng trường, từng cơ sở quản lí giáo dục”, PGS.TS Đào Thái Lai đề nghị.