Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Những ‘trái ngọt’ xuất khẩu

DUY KHANG 30/10/2022 06:48

Sau một thời gian ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu Việt Nam đã khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó phải kể đến da giày, dệt may, thủy sản...

Xuất khẩu cá tra tăng mạnh ở nhiều thị trường.

Các ngành xuất khẩu chủ lực khởi sắc

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, trong 3 năm thực thi, CPTPP đã mang lại hiệu quả đáng kể. Các ngành xuất khẩu chủ lực của chúng ta như dệt may, da giày, thủy sản... càng có thêm nhiều cơ hội khi CPTPP được thực thi.

Đơn cử, với lĩnh vực thủy sản, thời gian qua, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường thuộc khối CPTPP bộc lộ rõ nét những điểm khởi sắc.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá tra sang các nước thuộc khối Hiệp định CPTPP vẫn giữ được mức tăng trưởng 3 con số. Đáng chú ý, về thị trường nhập khẩu, trừ New Zealand không tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, các thị trường còn lại đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam. Trong đó, tính đến hết tháng 8/2022, thị trường Canada nhập khẩu tăng đột phá, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ đứng sau Mexico (chiếm 4,5% với gần 73 triệu USD), xuất khẩu cá tra sang Canada đạt giá trị trên 40 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này là cá phile/cắt khúc đông lạnh, sản phẩm cá nguyên con đông lạnh chỉ chiếm hơn 6%, còn lại là cá tra chế biến.

Ngoài ra, trong nội khối CPTPP, xuất khẩu cá tra sang các thị trường như Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng 3 con số.

Theo Vasep, trong khi xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì thị trường CPTPP lại ít bị tác động bởi những thách thức trên.

Thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm. “Đối với cá tra, nhóm thị trường các nước CPTPP vẫn có sức hút lớn và có nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt”, Vasep nhận định.

Cũng có những điểm sáng xuất khẩu sang thị trường nội khối CPTPP, bất chấp dịch bệnh Covid -19 và những ảnh hưởng khác của tình hình thế giới, ngành da giày cũng ghi nhận những con số tích cực về kim ngạch xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, lũy kế hết tháng 9/2022, xuất khẩu giày dép, túi xách mang về 21,3 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 18,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ, túi xách, vali, ô dù đạt 3,13 tỷ USD, tăng 40,2%. Riêng đối với thị trường trong khối CPTPP, xuất khẩu giày dép tăng ấn tượng. Cụ thể, sản phẩm giày dép xuất sang Canada đạt 407,2 triệu USD (tăng khoảng 52% so với cùng kỳ 2021), vượt xa kết quả thực hiện 678 triệu USD của năm 2021; xuất khẩu sang Mexico cũng tăng gần bằng mức 315,03 triệu USD của cả năm ngoái.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, CPTPP đã mang lại 3 điểm thay đổi rất lớn đối với ngành da giày nước nhà. Thứ nhất, đó là tăng trưởng xuất khẩu. Trước đây, khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đến nay, đã chiếm hơn 14%. Thứ hai, hiệp định CPTPP yêu cầu đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều này là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất. Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã được đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ ba, quá trình đáp ứng các yêu cầu của CPTPP năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng đã được nâng lên rất nhiều. Cụ thể, hoạt động về thủ tục xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chí của thị trường, yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đã giúp doanh nghiệp thay đổi, đầu tư phát triển trong giai đoạn vừa qua.

Tương tự, ngành may mặc cũng đã tận dụng được nhiều lợi thế xuất khẩu sang thị trường trong CPTPP. Theo bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), chỉ tính riêng thị trường Canada, trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường này đã tăng trưởng tới trên 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Mở rộng khai thác thị trường tiềm năng

Có thể thấy, những lợi ích mà Hiệp định CPTPP đã bộc lộ rõ nét trong thời gian qua, và các ngành xuất khẩu chủ lực của chúng ta đã không bỏ lỡ cơ hội để tăng tốc, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu.

Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI nhận định, dù CPTPP không phải là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam nhưng lại là hiệp định vô cùng đặc biệt nếu xét về tính chất và sự khác biệt của CPTPP đối với tất cả những cái hiệp định thương mại tự do FTA mà chúng ta đã có trước CPTPP.

Bà Trang đưa ra ví dụ tại Canada, thị phần của Việt Nam năm 2017 là 0,9%, năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP thì thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada đã tăng lên là 1,2% và đến năm 2021 vừa rồi là 1,6%, là nước có tốc độ tăng cao nhất về mặt thị phần.

Tương tự, tại thị trường Mexico, năm 2018, thị phần của chúng ta là 0,9%, đến năm 2021 thị phần của chúng ta là 1,7%. Với những dữ liệu có được, bà Trang nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá hiệu ứng thành công của Việt Nam trong tận dụng cơ hội về thuế quan để tiếp cận thị trường, gia tăng thị phần ở thị trường châu Mỹ”.

Ngoài ra, nếu nhìn vào danh sách 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước với Việt Nam, có những mặt hàng mà hầu như chỉ có nước ta có, ví dụ như giầy dép, cao su. Có những mặt hàng mà chúng ta có thể trùng với thế mạnh của các đối tác, ví dụ như là đồ gỗ, dệt may, nhưng đa phần, xét sản phẩm cụ thể thì sản phẩm của chúng ta mang sự khác biệt. Vì thế, theo bà Trang, cơ hội của chúng ta ở các thị trường CPTPP là rất lớn.

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP ở khu vực châu Mỹ có những bước tăng trưởng rất tốt trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, dư địa và tiềm năng của thị trường để chúng ta khai thác vẫn còn rất lớn với độ mở nền kinh tế cao. Bởi vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng mạnh mẽ hơn nữa các lợi thế thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường nội khối CPTPP, đồng thời nghiên cứu về việc tận dụng CPTPP để có thể thâm nhập các khu vực thị trường khác.

DUY KHANG