‘Vũ điệu dầu mỏ’ lại hiện hình
Phát biểu tại sự kiện Tuần lễ Năng lượng quốc tế Singapore mới đây, ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) khẳng định "đang xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự". Nguyên nhân là do nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang căng thẳng kết hợp với quyết định cắt giảm sản lượng khai thác của các nước xuất khẩu dầu mỏ kể từ ngày 1/11, với 2 triệu thùng/ngày.
Gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng
Nói với tờ The Straits Times, ông Birol, người từng làm việc tại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trước khi gia nhập IEA vào thập niên 1990, cho rằng thị trường khí đốt sẽ eo hẹp nguồn cung cho đến năm 2024, đồng nghĩa với giá cả tiếp tục ở mức cao. Ông Birol cũng bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ làm sâu sắc thêm “những hoài nghi giữa nước giàu và nước nghèo”, đồng thời đào sâu hơn những rạn nứt địa chính trị.
"Khủng hoảng năng lượng đã thực sự tạo ra các ảnh hưởng kinh tế, làm các nước đang phát triển thiệt hại rất nghiêm trọng. Đồng tiền của nhiều nước đang yếu đi" - ông Birol nói tuy nhiên cũng cho rằng dù cuộc khủng hoảng hiện nay gây nhiều đau đớn nhưng nó cũng có thể là bước ngoặt để phát triển năng lượng sạch mạnh hơn.
Tới thời điểm này, Mỹ đã rót 369 tỉ USD thông qua các hỗ trợ về thuế và bảo lãnh để phát triển năng lượng tái tạo, xe điện và các nguồn năng lượng sạch khác. Trong khi đó, kế hoạch trị giá 210 tỉ euro của Liên minh châu Âu (EU) cũng nhằm tăng tốc đầu tư cho năng lượng sạch. Tại châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã hoạch định các khoản đầu tư lớn cho năng lượng xanh. Châu Á chính là khu vực then chốt trong chuyển đổi xanh và là động lực tăng trưởng cho thị trường năng lượng toàn cầu, với mức tiêu thụ khoảng 60% lượng năng lượng toàn cầu.
"Cơn nghiện" nhiên liệu hóa thạch
Một báo cáo được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet (ngày 25/10) cho biết, ô nhiễm không khí do việc đốt than, dầu, khí… trên thế giới liên quan trực tiếp đến cái chết của 1,2 triệu người mỗi năm. Bà Renee Salas, đồng tác giả cuộc nghiên cứu và là chuyên gia tại Trường Y tế công Harvard (Mỹ), cho biết con số này được dựa trên "nhiều bằng chứng khoa học".
Còn theo bà Marina Romanello - thành viên của nhóm nghiên cứu và hiện là chuyên gia tại Trường Đại học London (Anh), việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không chỉ làm tăng tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người mà còn góp phần làm nghiêm trọng thêm những khủng hoảng khác như đại dịch Covid-19 kéo dài, giá cả sinh hoạt, năng lượng và lương thực...
Bà Romanello dẫn nghiên cứu đã phân tích từ 103 quốc gia và cho rằng 26,4% dân số các nước này đang phải chịu đựng tình trạng mất an ninh lương thực. Theo tính toán, tỉ lệ này sẽ giảm còn 22,7% nếu thế giới không chịu tác động của biến đổi khí hậu mà nguyên nhân chính đến từ “cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch”.
Báo cáo của nhóm các nhà khoa học công bố trên The Lancet còn cho biết số trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng đã tăng từ 187.000 trong giai đoạn 2000 - 2004 lên mức trung bình 312.000 người/năm trong 5 năm qua.
Hậu quả của nắng nóng cũng được đề cập trong báo cáo mới của UNICEF, ngày 27/10. Báo cáo này cho rằng hơn 2 tỉ trẻ em sẽ tiếp xúc với các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên, kéo dài và khắc nghiệt hơn vào năm 2050, đồng thời gọi biến đổi khí hậu là "cuộc khủng hoảng quyền trẻ em".
Bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành UNICEF, nêu rõ cháy rừng và nắng nóng khắc nghiệt ở Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ là ví dụ rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em. Trẻ em chịu trách nhiệm ít nhất đối với biến đổi khí hậu nhưng lại đang phải gánh chịu tổn hại lớn nhất.
Ông Sacoby Wilson - chuyên gia về sức khỏe môi trường tại Trường Đại học Maryland (Mỹ), chỉ ra thực tế rằng nỗ lực "cai nghiện" nhiên liệu hóa thạch hiện vẫn chưa hiệu quả và lãnh đạo các nước trên thế giới cần có sức mạnh ý chí để biến điều này thành hiện thực. Trong khi đó, Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh ô nhiễm không khí hiện là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người. “Chúng tôi muốn không khí không còn ô nhiễm, muộn nhất là vào năm 2050. Không khí trong lành không thể là một thứ xa xỉ. Vì thế cần sớm đoạn tuyệt với nhiên liệu hóa thạch, mà trước hết là than đá và xăng dầu” ông Sinkevicius kêu gọi.
Ông Sinkevicius cũng dẫn nhiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không khí bẩn mỗi năm khiến 300.000 người tử vong trước tuổi 75 ở châu Âu và EU có thể làm giảm 70% số ca tử vong như vậy trong 10 năm tới nếu như “cai” được nhiên liệu hóa thạch đã và đang đầu độc môi trường.
Giá dầu mỏ nhảy múa
Nhưng, cho dẫu các lời kêu gọi có “tha thiết” đến đâu thì thực tế nhiên liệu hóa thạch, kể cả khí hóa lỏng (LNG) vẫn đang là “vũ khí chiến lược” đối với hầu hết các quốc gia và cuộc chiến dầu mỏ, khí đốt vẫn leo thang.
Nếu như trước năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, giá dầu mỏ trung bình 80 USD/thùng, mức giá đã cao hơn giá “có thể chấp nhận được” 20 USD/thùng.
Những tưởng đó là mức giá cao nhưng kể từ giữa tháng 2/2022, giá dầu mỏ bắt đầu “nhảy múa”. Các chuyên gia năng lượng quốc tế ví von rằng “vũ điệu dầu mỏ” sẽ làm đau đầu bất cứ quốc gia nào, khi mà lệnh áp dụng việc các nước châu Âu mua dầu của Nga cũng như việc cắt giảm sản lượng của OPEC vẫn tiếp diễn.
Ngày 7/3, giá dầu mỏ thế giới lên cao kỉ lục với mức trung bình 140 USD/thùng. Cùng việc hối thúc các nước sản xuất dầu mỏ tăng cường khai thác, Mỹ đã phải 2 lần mở kho dự trữ chiến lược với trung bình 1 triệu thùng/ngày, đồng thời tăng cường bán khí đốt hóa lỏng sang châu Âu bằng đường biển. Những nỗ lực ấy xem ra cũng có tác dụng, khi mà giá dầu mỏ dần đi xuống. Đầu tháng 10, giá trung bình dao động trong khoảng 90 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia tài chính, mức giá ấy sẽ không thể giữ được kể từ tháng 11 tới khi mà OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
“Vẫn biết rằng trái đất bình yên hơn nếu việc sử dụng năng lượng hóa thạch được hạn chế ở mức thấp nhất. Nhưng hiện thời chúng ta vẫn phải kêu gọi các quốc gia sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng để không rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng mà không ai mong muốn. Từ tháng 5 đến tháng 8, nhiều quốc gia gần như đã tê liệt khi các cơ sở sản xuất cũng như người dân phải mua thiếu xăng dầu với mức giá ít nhất là tăng 45%. Phải chăng đó là nghịch lý phải chấp nhận khi mà từ hàng trăm năm qua nhân loại đã quen với than đá, dầu mỏ và các chính phủ cũng không chịu mở hầu bao đầu tư cho nhiên liệu xanh” - ông Sacoby Wilson nói với Bloomberg.