Lan tỏa những giá trị thật đến với công chúng
Đối với các tác giả, nhóm tác giả đạt Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022, việc được vinh danh tại giải lần này không chỉ là dấu ấn vẻ vang trong sự nghiệp làm báo mà còn mong muốn lan tỏa những giá trị thật, giá trị đẹp của cuộc sống đến với công chúng.
Chia sẻ về loạt 5 bài “Cần phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt” của nhóm tác giả: Trần Hồng Quỳnh, Hoàng Thị Phương Liên, Lý Thị Thu, Đỗ Thị Thương Huyền, Lê Thị Phương Nam (thuộc thể loại báo điện tử) đạt Giải B Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, nhà báo Trần Hồng Quỳnh chia sẻ, người có uy tín được ví như những cây đa, cây đề, cánh chim đầu đàn tại cơ sở, có tầm ảnh hưởng lớn đối với bà con các dân tộc tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những việc họ làm có ý nghĩa rất to lớn với cộng đồng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững mạnh hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế, chính sách đối với những người có uy tín chưa được đầy đủ.
Chính vì vậy, loạt 5 bài của nhóm tác giả được đặt tên “Cần phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt” mong muốn truyền tải thông điệp rằng, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến người có uy tín ở góc độ xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách; cùng với đó là cơ cấu lại đội ngũ này theo hướng trẻ hóa.
“Trước đây, chúng ta thường quan niệm người có uy tín phải là những “cây cao bóng cả”, những người cao tuổi. Nhưng trên thực tế, người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa lại khó tiếp cận được với công nghệ hiện đại, mà hiện nay, nhiều bạn trẻ, tuy tuổi đời còn ít nhưng sự uy tín cũng như năng lực dẫn dắt cộng đồng cũng không thua kém gì những người cao tuổi. Bên cạnh việc thay đổi cách nhìn về người có uy tín, Loạt bài còn truyền tải thông điệp là làm sao gắn kết được vai trò của người có uy tín với vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, và sẽ tốt hơn nữa nếu làm được “hai trong một””, nhà báo Trần Hồng Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo nhà báo Trần Hồng Quỳnh, loạt bài được nhóm tác giả thực hiện trong 4 năm, tác nghiệp tại 14 tỉnh trên cả nước. Trong quá trình thực hiện, nhóm đã đến tận cơ sở, gặp trực tiếp và lắng nghe những câu chuyện của hơn 30 nhân vật tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, từ đó tổng hợp, xâu chuỗi lại và tạo nên một tác phẩm hoàn thiện, chạm được đến trái tim của bạn đọc.
“Giải B Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã khẳng định sự ghi nhận của các nhà báo lão thành trong Hội đồng giám khảo của Giải báo chí, cũng như ghi nhận công sức của chúng tôi trong thời gian dài thực hiện. Đây cũng là dấu ấn vẻ vang trong sự nghiệp làm báo của mỗi thành viên trong nhóm. Mỗi nhà báo đều cảm thấy rất vui mừng, vinh dự và trân trọng giải thưởng này”, nhà báo Trần Hồng Quỳnh xúc động chia sẻ.
Qua tác phẩm, nhà báo Trần Hồng Quỳnh mong muốn, những người làm báo sẽ thường xuyên đi cơ sở, bám sát hơi thở của cuộc sống, tìm đến nhân vật thật, con người thật và câu chuyện thật. Công nghệ hiện đại có thể kết nối con người ở khắp mọi nơi, nhưng công nghệ không thể mang lại cảm nhận chân thật nhất về cuộc sống của bà con vùng sâu, vùng xa; mà mỗi người làm báo chúng ta cần nắm bắt và thấu hiểu được những tình cảm, tâm tư, được trải nghiệm công việc hàng ngày của những người có uy tín, thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của họ, từ đó lan tỏa những giá trị thật đến với công chúng.
Đối với nhóm tác giả Cầm Thị Hoài Thu, Phan Hương Giang, Phạm Nguyễn Sơn Tùng thực hiện tác phẩm “A Tú - Người gieo hạt giống đoàn kết” (thuộc thể loại phát thanh) đạt Giải B Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, việc thực hiện tác phẩm luôn hướng tới tuyên truyền, quảng bá những tấm gương là thanh niên người dân tộc thiểu số đặc biệt, biết sử dụng sức mạnh của các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa những hoạt động ý nghĩa hướng tới cộng đồng.
Nhà báo Cầm Thị Hoài Thu chia sẻ, bản thân chị đã theo dõi A Tú - một youtuber thành công với ý tưởng tận dụng mạng xã hội để kết nối cộng đồng với các thôn bản vùng cao, từ đó đã quyết tâm đến tỉnh Yên Bái để gặp A Tú và có một ngày trải nghiệm cùng A Tú trên công trường làm đường trên bản Chống Chơ.
Từng theo dõi nhiều bạn trẻ nhiệt huyết với các hoạt động vì cộng đồng, mỗi bạn có một sắc thái, lựa chọn cách làm khác nhau, nhưng riêng A Tú lại để lại cho nhóm tác giả ấn tượng khó quên, đó là sự chân thật và chịu khó, “miệng nói tay làm”. Không chỉ đơn thuần quan sát và ghi lại hình ảnh từ cuộc sống thường ngày, A Tú đã trực tiếp cầm tay chỉ việc, lao động cùng đồng bào dân tộc thiểu số tại bản làng.
“Ở A Tú toát lên điều gì đó khiến bà con ở đây rất tin tưởng chàng thanh niên trẻ này. Chỉ cần A Tú nói triển khai bất kỳ công việc gì là người dân “răm rắp” nghe và làm theo. Hình ảnh chàng thanh niên trẻ rất gần gũi với bà con, để lại tình cảm, ấn tượng sâu sắc, làm vì tấm lòng không phải vì mục đích nào khác, đó là điều đặc biệt của A Tú, là hạt nhân của khối đại đoàn kết nơi núi rừng Tây Bắc”, nhà báo Hoài Thu khẳng định.
Theo nhà báo Hoài Thu, khi nhận được tin tác phẩm đạt giải, nhóm tác giả nghĩ đến A Tú nhiều hơn là niềm vui của bản thân. Giải thưởng cao quý này, nhóm tác giả xin dành tặng cho A Tú bởi những việc bạn ấy đã làm cho bà con dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái.
Qua tác phẩm này, nhóm tác giả muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ, đặc biệt các bạn là phóng viên nên đi thật nhiều đến các vùng quê nơi đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống. Không có chất liệu nào tốt bằng trải nghiệm thực tế, và ở đó luôn có những người đang ngày đêm đồng hành cùng bà con dựng xây quê hương tươi đẹp.
Nhà báo Hạnh Nguyên, đại diện nhóm tác giả đạt giải B, thể loại báo in (Báo Đại Đoàn Kết): Tiếp tục sáng tạo để có những tác phẩm tốt hơn
Tuyến 5 bài “Những điều giản dị nhưng thấm đẫm giá trị trong “Ngôi nhà trí tuệ”” được nhóm phóng viên phản ánh chân thực, lột tả được những bất cập của tình trạng “cửa đóng then cài” tại các nhà văn hóa lâu nay, cũng như những giá trị cần phát huy trong mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, một sáng tạo của MTTQ tỉnh Hà Tĩnh. Để phát huy công năng của nhà văn hóa đặc biệt này, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tích hợp trong nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ. Mô hình không những phát huy công năng nhà văn hóa mà còn là nơi kết tinh tinh thần đại đoàn kết, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Như Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhận định: Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” có thể xem là một sáng kiến vì dân. Bởi ngôi nhà này là một sản phẩm tích hợp trong nhà văn hóa cộng đồng đã tạo ra một sức sống mới cho các nhà văn hóa, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi cùng đến giao lưu, vui chơi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm thông qua hoạt động của các câu lạc bộ như: tiếng Anh, kỹ năng sống, dân ca ví, giặm, dân vũ, các câu lạc bộ văn hoá văn nghệ - thể dục thể thao…Các chuyên gia về xây dựng nông thôn mới cũng nhận định, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” nên và cần vượt qua không gian của Hà Tĩnh. Khi nhận được thông tin tuyến bài đạt Giải B Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022, chúng tôi thực sự rất xúc động. Kết quả này sẽ tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục sáng tạo để làm nên những tác phẩm tốt hơn.
NGUYỄN PHƯỢNG (ghi)
Nhà báo Kiều Giang, tác giả đạt Giải C (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam): Đưa hình ảnh Việt Nam đoàn kết, yêu chuộng hòa bình đến với bạn bè quốc tế
Thời gian qua, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam không chỉ đơn thuần hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình mà còn là những “sứ giả” của tình hữu nghị, đoàn kết với bạn bè các nước, sự gắn bó, giúp đỡ cộng đồng dân cư ở địa bàn. Những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam - những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế vừa biết trồng rau xanh cải thiện bữa ăn, giúp người dân cải thiện điều kiện sinh hoạt, vừa biết dạy học cho trẻ em, biết may và tặng khẩu trang cho đồng nghiệp, người dân phòng chống dịch Covid-19.
Vì vậy, loạt 4 bài “Những sứ giả của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình” mong muốn gửi gắm đến độc giả và bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, luôn đề cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị. Những hình ảnh đó làm cho người dân các nước thêm hiểu và thêm yêu mến đất nước Việt Nam và con người Việt Nam.
Khi nhận tin loạt bài đạt Giải C Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, tôi cảm thấy rất vui và xúc động vì sự tâm huyết cũng như công sức của tác giả thực hiện tác phẩm đã được ghi nhận. Trong quá trình thực hiện loạt bài, bản thân tôi đã dành nhiều thời gian để thu thập tư liệu, liên lạc với các thành viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại châu Phi. Việc tác nghiệp qua mạng gặp rất nhiều khó khăn vì chênh lệch múi giờ cũng như chất lượng đường truyền không ổn định. Bởi vậy, giải thưởng lần này càng ý nghĩa, vinh dự hơn và cũng là nguồn động viên, khích lệ tinh thần to lớn để tôi tiếp tục cống hiến và truyền tải được nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa hơn đến công chúng.
TIẾN ĐẠT (ghi)