Đổi mới chương trình phổ thông, kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi thế nào?
Phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi thế nào khi học sinh bậc THPT học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang là vấn đề được các nhà trường, học sinh và phụ huynh quan tâm để có kế hoạch dạy và học phù hợp.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được Bộ GDĐT đánh giá là tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Tổng số thí sinh dự thi là gần 990.000 em, đạt 98,75% tốt nghiệp so với số thí sinh đăng ký dự thi. Đây cũng là năm đầu tiên tất cả thí sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến, giảm được nhiều thủ tục cho các nhà trường và thí sinh.
Theo Bộ GDĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022. Ghi nhận thực tế cho thấy, chủ trương này nhận được sự ủng hộ của các trường, học sinh và phụ huynh. Với phương án này, kỳ thi năm 2023 vẫn do UBND các tỉnh, thành phố chủ trì tổ chức, học sinh thi tại địa phương, đề thi do Bộ GDĐT xây dựng.
Học trực tuyến khá dài trong hai năm học lớp 10 và 11 nên lứa học lớp 12 năm nay có nhiều thiệt thòi hơn. Vì vậy, tại Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) cùng với dạy học theo kế hoạch thời gian năm học, giáo viên nhà trường còn rà soát kiến thức có liên thông ở lớp dưới để củng cố, bổ trợ cho học sinh.
Ông Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang cho biết, nhà trường thường xuyên rà soát sức khỏe và tình hình học tập của học sinh để kịp thời động viên, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, nhất là với những học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh ở xa trường.
Không để học sinh học lệch, học tủ là cố gắng của Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội). Theo Ban giám hiệu nhà trường, việc xây dựng ngân hàng đề kiểm tra với cấu trúc, hình thức như các môn thi tốt nghiệp cũng được nhà trường tích cực thực hiện, trong đó có việc tập dượt cho học sinh cách làm câu nghị luận xã hội (trong đề ngữ văn), hướng dẫn cách làm bài trắc nghiệm phù hợp với thời gian quy định từng môn, tránh mất điểm do không biết cách phân bổ thời gian làm bài.
Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai ở bậc THPT với lớp 10. Thời điểm này, các trường bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT sớm công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để có kế hoạch dạy và học phù hợp cho học sinh đang học lớp 10 năm nay.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện để sớm công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Bên cạnh việc chuẩn bị phương án cho tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp năm 2023, Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực để đảm bảo sự đồng bộ, nâng chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Định hướng này nhằm tiệm cận với lộ trình đổi mới kỳ thi sau năm 2025, áp dụng với đối tượng học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023-2024 và từ năm 2025 trở đi vẫn được Bộ GDĐT xác định mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học để nâng cao chất lượng. Để đạt mục tiêu này, thước đo của kỳ thi phải đánh giá trung thực, khách quan năng lực học sinh, có độ tin cậy và có tính phân hóa. Bộ GDĐT sẽ đẩy mạnh hơn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi.