Đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống
Dù chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030” mới triển khai được 2 năm, thế nhưng nhiều ứng dụng về trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang giúp cải thiện năng suất trong nhiều lĩnh vực trọng điểm của TPHCM.
Bước đột phá lớn
Hiệu quả của ứng dụng AI tại bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TPHCM), theo đánh giá của bác sĩ Trần Văn Sóng - Phó Giám đốc BV là một bước đột phá rất lớn. “ 3 năm qua, BV đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị đột quỵ bằng phần mềm RAPID, một thành tựu AI chuyên hỗ trợ điều trị hiệu quả và chính xác”, bác sĩ Sóng cho biết.
So sánh hiệu quả điều trị so với điểm trước khi ứng dụng AI, bác sĩ Sóng cho biết thêm, các bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu não nhập viện trong 6 tiếng đầu can thiệp điều trị khả quan, nhưng sau 6 giờ thì bác sĩ hầu như không thể làm gì để cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ tàn phế, tử vong. Tuy nhiên, giờ đây khi đã ứng dụng AI thì cứ hai bệnh nhân đột quỵ được đưa đến sau 6 giờ sẽ có một người mạnh khỏe và trở về hòa nhập cuộc sống bình thường.
“Tính trong 3 năm ứng dụng AI vào điều trị đã có hơn 2.200 ca được chẩn đoán và chỉ định can thiệp bằng phần mềm. Kết quả ghi nhận 48% người bệnh được can thiệp thành công, quay trở lại vận động bình thường và thoát khỏi cảnh tàn phế” - đại diện BV Nhân dân 115 cho biết.
Tương tự, các BV Ung bướu TPHCM và BV đa khoa Phú Thọ cũng mạnh dạn ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Không chỉ riêng tại các BV trong nước, ứng dụng này hiện đang được triển khai áp dụng ở 230 BV khác nhau trên toàn cầu và tạo tính đột phá trong chuẩn đoán ung thư vú và ung thư đại trực tràng, với tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ lên đến trên 80% (ung thư vú là 71%; ung thư đại trực tràng là 88,1%).
Đáng chú ý, trong thời điểm “nóng” của đại dịch Covid-19 vừa qua, BV quận 11, TPHCM đã ưu tiên ứng dụng AI trong chẩn đoán các ca nghi nhiễm Covid-19 để tối ưu quy trình, phát hiện nhanh chóng và đưa ra phương án điều trị chính xác.
Không chỉ lĩnh vực y tế, sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM định hướng sử dụng AI đóng vai trò như các trợ lý, giúp giáo viên truyền thụ kiến thức, chấm điểm, hướng dẫn học sinh giải bài tập cơ bản, lưu trữ điểm số, theo dõi quá trình học tập của học sinh,…
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc sở GDĐT, kể từ năm học 2022-2023, thành phố đã triển khai thí điểm giảng dạy AI trong chương trình chính khóa ở bậc THCS và THPT. Cụ thể, thành phố chọn 5 trường THPT và mỗi quận, huyện chọn 1 trường THCS để thực hiện thí điểm dạy AI. Nội dung AI sẽ được lồng ghép vào môn Tin học của chương trình. Bên cạnh đó, các trường cũng được yêu cầu bổ sung AI vào hoạt động của câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa, các hội thi nghiên cứu khoa học...
Ngoài lĩnh vực y tế - giáo dục, PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam cho biết, AI còn đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt, xử lý giọng nói, kỹ thuật ước tính đám đông đến các hệ thống an ninh, bảo mật, hay hệ thống pháp luật, quản lý nhà nước,…
“Tiềm năng ứng dụng AI còn rất lớn và hiện nay đang xuất hiện trong nhiều ngành, từ cung cấp dịch vụ mua sắm ảo, ngân hàng trực tuyến đến ứng dụng vào giảm chi phí đầu tư trong sản xuất và thúc đẩy hầu hết các ngành công nghiệp tiến lên và thay đổi cuộc sống của con người” - ông Triết nhấn mạnh tại hội thảo về an toàn thông tin trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vừa được tổ chức mới đây tại TPHCM.
Công cụ đột phá để phát triển
Với nhiều thành tựu đột phá, chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2020-2030” được kỳ vọng tạo ra động lực cho quá trình hồi phục nền kinh tế đầu tàu cả nước. Riêng trong năm nay, TPHCM triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến phát triển, ứng dụng AI. Trong đó, ngoài triển khai Đề án xây dựng hạ tầng số với trọng tâm là mạng di động 5G thì ứng dụng AI cũng được trển khai qua hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (loT) cho TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn.
TS Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số của ngành đến năm 2025 và định hướng 2030 cũng đã xây dựng kế hoạch sử dụng AI và Blockchain để giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên và học sinh, làm cho hệ thống giáo dục tốt hơn và hiệu quả hơn. Trong khi đó, với số lượng học sinh toàn thành phố là trên 1,7 triệu em và khoảng 100.000 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục, việc ứng dụng AI chắc chắn sẽ tạo ra những bước thay đổi rất lớn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học quản lý và kinh tế TPHCM cho rằng, khi triển khai ứng dụng AI vào một ngành hoặc lĩnh vực chắc chắn kèm theo thay đổi về hạ tầng kỹ thuật, cụ thể là tạo tài khoản, quản lý tài khoản, định danh người dùng và hệ thống chăm sóc người dùng,...“Đây là những khó khăn đi kèm không chỉ vấn đề tài chính mà còn đòi hỏi khả năng thích ứng của đội ngũ nhân lực của từng ngành nghề” - TS Sâm phân tích.