Vụ nữ sinh có hành động vô lễ với thầy giáo: Xử lý nghiêm để răn đe
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh nữ sinh văng tục, thách thức và xưng "mày - tao” với thầy giáo trong lớp học tại Khánh Hòa. Nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật và có hình thức xử lý đối với nữ sinh này là tạm dừng đến trường 1 tuần và xếp hạnh kiểm yếu trong học kỳ I.
Theo ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Khánh Hòa, đây là hình thức xử lý mang tính nhân văn cao. Nhà trường sau đó đã cùng gia đình tìm cách để giúp học sinh nhận thức được hành vi sai trái, kiểm điểm bản thân để sửa đổi. “Dẫu sao, em T. vẫn còn ở lứa tuổi cần được rộng lượng, bảo ban, giáo dục khi mắc sai lầm” - ông Hải nói.
Trên thực tế, việc học sinh vô lễ với giáo viên ngay trong chính không gian lớp học, trường học không phải là chuyện hiếm xảy ra. Nhiều vụ việc đã được báo chí phản ánh nhưng ghi nhận từ nhiều giáo viên, đó chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Không ít trường hợp học sinh cá biệt, trả lời, thách thức giáo viên ngay trong chính giờ dạy nhưng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn xem như “bó tay”. Bởi theo Điều lệ trường tiểu học theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT đã nghiêm cấm giáo viên tiểu học có hành vi phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. Tương tự, giáo viên bậc THCS đến THPT đều không được sử dụng hình thức phê bình học sinh trước lớp, trước trường, thậm chí phê bình học sinh trước phụ huynh,… khi học sinh có bất kỳ vi phạm gì.
Chỉ ra những khó khăn cho giáo viên khi vừa phải đảm bảo công tác giảng dạy, vừa phải có biện pháp uốn nắn phù hợp với những học sinh cá biệt trong lớp, trong đó có những trường hợp mà bố mẹ ở nhà cũng “bó tay”, không biết phải giáo dục ra sao, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng không phải trường hợp nào cũng nên “giơ cao đánh khẽ”. Có những sự việc phải kiên quyết xử lý trường hợp học sinh vô lễ với giáo viên để tạo môi trường giáo dục nghiêm để răn đe các trường hợp khác không tái phạm.
Mục đích của việc xử lý vẫn là để học sinh đó nhận ra lỗi sai của mình, rút kinh nghiệm trong việc ứng xử với thầy cô, bạn bè và xa hơn là sau này ra ngoài xã hội. Tuy nhiên, chính người thầy trong bất cứ tình huống sư phạm nào cũng đều phải giữ được thái độ bình tĩnh, tránh đôi co với học sinh, đặc biệt là trong không gian lớp học, ngay trước sự chứng kiến của nhiều học trò khác sẽ có thể tạo ấn tượng xấu với các em.
Cụ thể, trong sự việc ở Khánh Hòa, TS Nguyễn Tùng Lâm đồng tình với cách xử lý của nhà trường và cho rằng, đây mới chỉ là xử lý bước đầu còn về lâu dài, nhà trường cần phối hợp với gia đình học trò để thống nhất phương pháp giáo dục phù hợp, đồng hành để học sinh đó nhận ra lỗi sai cũng như có sự sửa đổi đúng mực. “Giáo dục không phải là câu chuyện của 1, 2 ngày mà đó là một chặng đường dài ở đó, thiếu đi nhân tố nhà trường hay gia đình đều sẽ không thể thành công. Không có học sinh cá biệt mà chỉ có những học sinh có cá tính riêng” - ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Hữu Long (Hà Nội) - người đồng sáng lập giải pháp "Hệ thống đào tạo và hỗ trợ giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục" nhìn nhận học sinh cá biệt luôn là nỗi đau đầu của các nhà sư phạm. 5 kinh nghiệm khi đối mặt với những học sinh này đó là xác định phải có một thái độ phù hợp. Ngay khi bắt đầu năm học hãy bắt đầu cố gắng tìm hiểu thông tin về học sinh để nhận ra các em này và gặp riêng, giữ thái độ tôn trọng, điềm tĩnh. Thứ hai là trở thành những nhà cố vấn đối với học sinh để các em có thể tin tưởng chia sẻ, đồng hành cùng các em. Thứ ba là cố gắng xây dựng và tạo nên sự kết nối với học trò của mình, bắt đầu từ những sở thích, thói quen hàng ngày của các em. Thứ tư là nên cá nhân hóa mọi chuyện. Học sinh cá biệt dễ bị tổn thương nếu hành vi của con bị nêu lên trước lớp học. Lời khuyên đó là nên nói chuyên riêng với học sinh, không đưa ra xử lý trước đám đông. Thứ năm đó là sẵn sàng đón nhận mọi chuyện. Luôn bao dung với không chỉ với học trò cá biệt và cả sự thất bại của mình trong việc giáo dục một học sinh, trong một trường hợp nào đó. “Phải luôn trong tâm thế rằng “trường học là nơi trẻ được quyền mắc sai lầm và sửa chữa sai lầm, để sau này ra trường đời, các em sẽ vững vàng, ít sai lầm hơn. Nghệ thuật dạy học đôi khi là nghệ thuật xây dựng các mối quan hệ” - ông Long nói.