Ngành chăn nuôi thấp thỏm

Khanh Lê 31/10/2022 08:30

Là nước nông nghiệp nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu. Mọi chi phí sản xuất đều tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm không tăng cộng thêm các loại dịch bệnh đe dọa nên nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phải treo chuồng.

Áp lực giá thức ăn là trở ngại đối với người chăn nuôi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đã đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi. Điều đáng nói là do giá nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine nên giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh.

Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất đều tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm thì không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành, cộng thêm các loại dịch bệnh đe dọa nên nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phải treo chuồng. Về phía các doanh nghiệp, do phải lệ thuộc vào nhập khẩu nên bị động trong sản xuất, tốn kém thêm nhiều chi phí logistic, buộc phải tăng giá bán nếu không sẽ bị lỗ.

Lý giải về việc quanh năm phải đi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ chăn nuôi lợn và gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm phần nhỏ với khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một con số rất lớn, khoảng từ 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi là một vấn đề lớn, bởi đang chiếm khoảng 65-70% tổng chi phí sản xuất. Đáng chú ý, theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cần khoảng 32 triệu tấn nguyên liệu, nhưng nguồn cung trong nước mới đáp ứng khoảng 35%.

Khi đề cập đến những bất cập trong ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng thẳng thắn cho rằng, ngành chăn nuôi là trụ đỡ lớn của nông nghiệp, tăng trưởng bình quân đều đạt 4,5 – 4,6%/năm, nhưng làm sao có môi trường, hệ sinh thái cho ngành phát triển xứng tầm vẫn là dấu hỏi lớn.

Đề xuất giải pháp giảm tải áp lực chi phí nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cần có quy hoạch chăn nuôi những ngành mũi nhọn thay vì chăn nuôi dàn trải như hiện nay. Việc quy hoạch chăn nuôi không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu của thị trường mà còn giúp người dân, doanh nghiệp không chịu áp lực do chi phí vận chuyển, chi phí nguồn nguyên liệu.

“Để giải quyết bài toán thực phẩm cho gần 10 triệu người dân, Hà Nội chủ trương giữ tổng đàn nhưng nâng cao chất lượng vật nuôi. Cụ thể, duy trì ổn định 38-40 triệu gia cầm; 1,6-1,8 triệu con lợn. Đồng thời đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và xây dựng những vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung ở các huyện như Ba Vì, Sóc Sơn” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn sau Covid-19, sức mua toàn dân bị giảm. Người chăn nuôi khó tính được chi phí đầu vào, đầu ra. Có hiện tượng, người nuôi gia cầm ở Hà Nội đã chuyển đổi sang nuôi lợn, trồng hoa màu ngắn ngày. “Với tính chất đặc thù của Thủ đô, chúng tôi đã tham mưu Sở NN-PTNT, UBND thành phố tập trung phát triển chăn nuôi những ngành mũi nhọn, thay vì dàn trải” - ông Sơn nói.

Khanh Lê