Tránh việc giảm biên chế cơ học
Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đây sẽ là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn trước Quốc hội trong tuần này; thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân.
Về việc tổ chức bộ máy, bà Đặng Bích Ngọc - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình cho rằng quan trọng là hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp, tinh giản chứ không phải giảm cơ học. Trong khi đó, báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội của Bộ Nội vụ cho biết, tính chung cả nước đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế theo nghị quyết của Đảng.
Quan trọng là hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp
Bà Ngọc cho biết, hiện nay trong quá trình thảo luận, nhiều ĐBQH đang đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/1/2023. Nếu để lộ trình tăng lương kéo dài đến 1/7/2023, lúc đó giá cả sẽ bị đẩy lên cao, khiến tăng lương nhưng vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Do đó, nhiều ý kiến mong muốn thực hiện lộ trình tăng lương từ 1/1/2023.
“Đúng là việc cải cách chính sách tiền lương, tăng lương cần gắn với việc tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy. Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện quyết liệt tinh giản biên chế, thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị. Tới đây lộ trình tiếp tục giảm nữa. Đối với công chức giảm 5%, còn viên chức giảm 10% trong giai đoạn tới. Tuy nhiên thực tế hiện nay tinh giản vẫn dựa trên nguyên tắc cơ học. Theo đó, các đối tượng tinh giản đủ điều kiện trong thời gian qua đã tinh giản hết rồi. Bây giờ đưa ra chỉ tiêu để giảm nữa cũng là áp lực nặng nề đối với các cơ quan. Trong khi lượng công việc hiện nay rất nhiều, chất lượng công việc đòi hỏi cao. Số biên chế lại giảm cơ học sẽ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Vì thế việc Quốc hội lựa chọn Bộ trưởng Bộ Nội vụ để trả lời chất vấn là rất trúng” - bà Ngọc nói.
Trước những băn khoăn về vấn đề tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy, bà Ngọc cho biết, qua tiếp xúc cử tri chúng ta thấy rằng, hiện biên chế trong ngành giáo dục, y tế và các ngành khác đang rất khó khăn. Thực tế sau một thời gian thực hiện tinh giản biên chế, đến nay đội ngũ cán bộ công chức viên chức của ta còn lại cơ bản là trẻ, có trình độ năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện và các yếu tố khác. Hiện nay nhiều cơ quan đang khó khăn về biên chế, nếu tiếp tục thực hiện tinh giản nhà nhất là giảm cơ học sẽ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.
“Tôi nói ví dụ, ngay MTTQ tỉnh Hòa Bình có 21 biên chế nhưng phải giảm thêm 2 biên chế nữa. Trong khi cán bộ toàn người trẻ, đang làm tốt, khối lượng công việc của Mặt trận hiện nay ngày càng được giao nhiều nhiệm vụ. Nếu tiếp tục giảm biên chế sẽ khó khăn cho cơ sở. Vì nếu cứ “cắt”, “giảm” mà không có đánh giá một cách thấu tình đạt lý thì sẽ khó khăn cho sau này. Cho nên cần đánh giá toàn diện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để tránh việc giảm cơ học” - bà Ngọc nói.
Vẫn theo bà Ngọc, thực tế trong tinh giản, nhiều cơ quan đã giảm hết đầu mối. Ví dụ đang là 4 ban giảm xuống còn 1 ban. Quá trình thực hiện thấy bất cập lại cho phép tăng thêm 1 ban. Hay việc tổ chức thực hiện việc triển khai ở các cơ quan, ban ngành ở các tỉnh cũng không thống nhất. Ví dụ Mặt trận có nơi 3 ban, có nơi lại 4 ban. Hay Dân vận cũng vậy, có nơi 2 ban, có nơi 4 ban, nhưng có nơi 3 ban. “Nói thế để thấy đang có sự thiếu thống nhất. Do đó việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cũng phải có đánh giá, và bám sát, phù hợp với điều kiện thực tế các nơi để thực hiện cho tốt. Quan trọng là hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp, tinh giản chứ không phải giảm cơ học”.
Trước câu hỏi trong khi chưa cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức thì tăng lương cơ sở là phương án trước mắt. Nhưng lương cần gắn với vị trí việc làm? Bà Đặng Bích Ngọc cho biết: “Tất cả chúng ta đều mong muốn trả lương theo vị trí việc làm, song đến thời điểm này việc thực hiện lộ trình chưa có những bước khởi sắc. Do đó trả lương theo vị trí việc làm, và lộ trình tăng lương làm sao đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân ở mức trung bình, và để cho đội ngũ cán bộ yên tâm công tác”.
Hiện đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hiện nay cũng đang rất khó khăn, nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp. Theo bà Ngọc, Bộ Nội vụ cần có đánh giá tổng thể từ Trung ương xuống địa phương. Nhất là địa bàn những nơi thực hiện quyết liệt tách, nhập các đơn vị hành chính. “Cũng phải lắng nghe xem từ việc triển khai thực hiện cái được là gì, cái gì chưa được” - bà Ngọc nói và nêu ví dụ trong sáp nhập các đơn vị hành chính có địa bàn 3, 4 xã sáp nhập thành 1 xã. Người dân gặp khó khăn trong đi lại để làm các thủ tục hành chính, và bản thân cán bộ cấp xã khó khăn. 4 xã sáp nhập thành 1 vậy đội ngũ cán bộ có đáp ứng được yêu cầu hay không, đó là vấn đề cần tính toán. Do đó cần xem lại Nghị định 34 về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nhất là mức định biên công chức cấp xã cần phải có quy định đặc thù. Nếu không sẽ khó khăn cho cơ sở.
“Chúng ta ở trên này quy định như thế nhưng thực tiễn thực hiện là cả một vấn đề. Vì thế tôi mong Bộ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra giải pháp để hướng dẫn các địa phương trong tổ chức thực hiện, trong đó sửa đổi Nghị định 34 để làm sao giúp cho cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngay bây giờ vấn đề giải quyết chính sách đối với số cán bộ dôi dư sau sáp nhập cũng vậy. Cần phải có lộ trình, giải pháp phù hợp và đáp ứng thực tiễn. Làm sao để đảm bảo các điều kiện giúp cho cán bộ công chức của chúng ta yên tâm công tác, nâng cao hiệu quả công việc” - bà Ngọc nêu vấn đề.
Sẽ trình cấp thẩm quyền thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có báo cáo gửi các ĐBQH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Báo cáo của Bộ trưởng cho biết, tính đến ngày 30/9, các bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 90% phòng trong vụ.
Các địa phương giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành, địa phương đến nay có 47.744 đơn vị (giảm 7.469 đơn vị, đạt 13,5%). Tuy nhiên kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 được giao là 247.722 biên chế. Trong đó bộ, ngành Trung ương là 106.890 và địa phương là 140.832, giảm 27.530 biên chế. Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%. Biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm được 11,67%. Công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015. Tính chung cả nước đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo nghị quyết của Đảng.
Tính từ 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96%. Ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04%. Sắp xếp theo trình độ đào tạo: có 653 tiến sỹ nghỉ việc, thôi việc, chiếm 1,65%. Bác sỹ chuyên khoa II có 133 người, chiếm 0,33%. Thạc sỹ có 4.018 người, chiếm 10,16%; bác sỹ chuyên khoa I có 1.066 người, chiếm 2,70%. Đại học có 19.637 người, chiếm 49,65%; cao đẳng có 6.027 người, chiếm 15,24%.
Theo bà Trà, việc trình Quốc hội xem xét tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 1/7/2023 để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và giai đoạn đến 2025, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành trình các cơ quan có thẩm quyền thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.
BÀ TRẦN THỊ THANH HƯƠNG - TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH AN GIANG:
Không tinh giản cứng nhắc 10%
Cần xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục cho phù hợp hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 năm qua học sinh cả nước tăng 4 triệu tương đương với 22,51%. Trong khi đó, số giáo viên tăng 8,7%. Nếu tính riêng bậc phổ thông, học sinh tăng hơn 21% còn giáo viên giảm 4,05%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước còn thiếu khoảng 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Bộ cũng đã có nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Cùng với các ngành, các cấp, ngành giáo dục cũng thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế mỗi năm. Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định được pháp luật quy định và Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học. Chính vì vậy việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hàng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và rất khó khăn cho ngành giáo dục. Do đó Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo việc đảm bảo lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định. Với tinh thần có học sinh, có lớp học phải có đủ giáo viên đề nghị cân nhắc thêm việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện một cách cứng nhắc như đối với các ngành khác.