Chuyển đổi số là nhu cầu tự thân mang tính chiến lược của Petrovietnam
Nhận thức rõ về những lợi ích mà chuyển đổi số đem lại, ngay từ năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định công tác chuyển đổi số toàn Tập đoàn là việc bắt buộc phải thực hiện để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đồng thời, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Tập đoàn phải có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số để vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số cũng được Tập đoàn xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn.
Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, lấy gốc rễ là văn hóa doanh nghiệp
Nhận thức rõ điều đó ngay từ những ngày đầu triển khai, Petrovietnam xác định công tác chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn là việc bắt buộc phải thực hiện để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động và nền kinh tế, góp phần xây dựng kinh tế số.
Ngoài ra, Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước lớn nên cần có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số để vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số quốc gia.
Theo mục tiêu thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tập đoàn xác định rõ việc đầu tiên là thay đổi về nhận thức đây được xem là vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, việc đầu tiên cần làm là lãnh đạo Petrovietnam đến lãnh đạo các đơn vị thành viên đều phải hiểu rõ, nhận thức rõ vai trò, bản chất của chuyển đổi số. Để thực hiện thành công chuyển đổi số, Petrovietnam cần xây dựng văn hóa về sự chia sẻ, phối hợp, văn hóa học tập thông qua quá trình đào tạo và tinh thần tự học. chuyển đổi số chính là quá trình thay đổi về tư duy và mô hình kinh doanh; chuyển từ cách làm hiện tại sang một cách làm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và đem đến hiệu quả cao hơn.
Đến thời điểm này, Petrovietnam đã phổ quát được nhận thức về chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số trong toàn hệ thống, biến nó thành một phần của văn hóa dầu khí. Điều này cũng từng được TS. Võ Trí Thành nhận xét, việc quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp làm là phải xây dựng được văn hóa số trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xác định công nghệ quan trọng nhưng nó thay đổi liên tục, văn hóa số mới là gốc của chuyển đổi số trước khi triển khai các vấn đề khác trong công tác này. Bên cạnh đó công tác truyền thông và đào tạo cũng cần đặc biệt phải chú trọng do trọng tâm của chuyển đổi số là chuyển đổi về nhận thức. Để chuyển đổi số thành công, Tập đoàn cần nâng cao thêm nhận thức, kỹ năng của lãnh đạo và CBNV trong Tập đoàn về chuyển đổi số, các nhiệm vụ chuyển đổi số phải thực hiện để từ đó xây dựng và hình thành văn hóa số của Tập đoàn.
Thứ hai, để tạo động lực cho chuyển đổi số đó là các vấn đề về chính sách và công nghệ. Chính sách cần phải đi trước một bước do đó Tập đoàn phải xây dựng chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng.
Thứ ba, một yếu tố xuyên suốt, không thể tách rời chuyển đổi số đó là vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đây còn được xem là yếu tố then chốt góp phần để chuyển đổi số thành công và bền vững. Các thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh thông tin ngay từ khi thiết kế đồng thời cần phải thực hiện công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin một cách liên tục, không dứt quãng suốt quá trình triển khai, vận hành các giải pháp số.
Và cuối cùng, Tập đoàn xác định rõ sự vào cuộc của cả tổ chức trong Tập đoàn, hành động đồng bộ và có sự tham gia của toàn thể cán bộ nhân viên là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số; kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán khi thực hiện công tác chuyển đổi số và cần có Bộ phận chuyên trách điều phối chung công tác chuyển đổi số tại các cấp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số một cách toàn diện
Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, ngay từ tháng 1/2022, Tập đoàn đã xây dựng, phê duyệt và ban hành “Tầm nhìn số PVN”, đây cũng chính là mục tiêu chuyển đổi số của Tập đoàn trong thời gian tiếp theo, đó là: “Chuyển đổi số hỗ trợ và thúc đẩy quá trình dịch chuyển mô hình kinh doanh, tối ưu phương thức hoạt động và nâng cao năng lực quản trị vận hành trên toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược tại Petrovietnam
Cho đến nay Petrovietnam đã hoàn thành xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng và phê duyệt Lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026 để từ đó thúc đẩy thay đổi mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả SXKD. Về mặt tổ chức, Petrovietnam đã xây dựng, hình thành những cơ quan, bộ phận thường trực, bộ máy chuyển đổi số ở Petrovietnam và các đơn vị thành viên; đã số hóa được toàn bộ hệ thống quy trình và cơ sở dữ liệu; ứng dụng AI vào tối ưu hệ thống quản trị, phân tích dữ liệu, ví dụ như phân tích dữ liệu địa chất, thạch học, từ đó đưa vào khoan thăm dò, khoan tận thăm dò, tận khai thác... cũng như quá trình lập kế hoạch, quản lý vận hành và bảo dưỡng các nhà máy công nghiệp.
Trong giai đoạn tiếp theo, Tập đoàn tiếp tục ưu tiên tập trung nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tinh gọn và gia tăng tính linh hoạt của tổ chức, gia tăng sự gắn kết trong CBCNV và khả năng phối thuộc giữa các bộ phận trong Tập đoàn; Giảm giá thành và chi phí; Phát triển bền vững (tiết kiệm nguyên vật liệu, vật tư, năng lượng và giảm ô nhiễm); Thúc đẩy học hỏi, sáng tạo, đổi thay cách nghĩ và mô hình kinh doanh; Thúc đẩy tăng trưởng (doanh số, thị trường, sản phẩm dịch vụ mới)
Tập đoàn cũng xác định quá trình chuyển đổi số là quá trình dài hạn cần đầu tư nguồn lực rất lớn. Do vậy, Tập đoàn phải chọn lựa những mũi nhọn đột phá, những cải tiến cấp thiết nhất để đầu tư, sau đó nâng cấp và mở rộng dần sang các lĩnh vực khác. Đồng thời, phải đáp ứng các yếu cầu về vấn đề nguồn lực con người thực hiện quy trình số hóa trong Tập đoàn có đủ kiến thức, tầm nhìn và kỹ năng hiện thực hóa công tác chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.