Thủ tục hành chính: Tắc chỗ nào gỡ ngay chỗ đó
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khẳng định, thời gian tới thành phố sẽ có bước tiến trong giải quyết thủ tục hành chính. Nhất là giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp.
Nhiêu khê thủ tục theo kiểu “vẽ rắn thành rồng”
Thời gian qua, mặc dù TPHCM liên tục đơn giản, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TPHCM khẳng định, có tình trạng “vẽ rắn thành rồng” khi DN liên hệ hành chính. Ông Bé dẫn chứng, Khu Công nghệ cao TPHCM đưa ra hàng loạt dẫn chứng của sự bất cập trong cơ chế. Đơn cử, chính sách nhà nước quy định cơ chế ủy quyền cấp giấy phép về tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các tỉnh, thành và xuống tận Ban Quản lý khu Công nghệ cao, nhất là các Ban Quản lý có đầy đủ năng lực. Nghe như chế độ một cửa tại Ban Quản lý khu Công nghệ cao đã được thực hiện, nhưng thực chất là 2 lớp giấy phép khi thực hiện: Yêu cầu, phải có “giấy phép con” của Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường thì khu Công nghệ cao mới cấp được sau thẩm định.
Ví dụ điển hình, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Sunshine Tech - Chi nhánh TPHCM đổi tên là Công ty Unicloud - Chi nhánh TPHCM. Thế nhưng, đơn vị này làm thủ tục 2 năm, đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép về tác động môi trường. Mới đây, tại hội nghị 30 năm phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn thành phố tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục giúp DN thuận lợi trong kinh doanh.
Trước đó, khi bàn về cải cách hành chính của thành phố, nhiều ý kiến cho rằng TPHCM có kế hoạch phát triển thành đô thị thông minh, chính quyền điện tử song tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến rất thấp.
ThS Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay, dịch vụ hành chính công trực tuyến của thành phố không có gì thay đổi sau 2 năm qua. Thành phố chỉ có khoảng 6% người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, thấp hơn so với trung bình của cả nước với 91% người dân dùng internet. Vị này dẫn chứng thêm, dịch vụ công trực tuyến của thành phố quá nhiều hình ảnh, chưa thân thiện với người dùng, thay vì hỗ trợ người dùng thì lại bắt tra cứu hồ sơ.
Nhìn nhận về dịch vụ công trực tuyến của TPHCM, ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, thành phố giảm thời gian và đơn giản hóa thủ tục bằng cách từ tiếp nhận trực tiếp chuyển sang trực tuyến, tuy nhiên người dân quan tâm và tham gia ít, mới đạt khoảng 20,87%.
Tăng lượng hồ sơ được giải quyết
Nói về công tác cải cách hành chính, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho hay, nhiều năm qua thành phố cố gắng đơn giản thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin. Song, hệ thống cải cách hành chính của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Các phần mềm, cổng dịch vụ công còn rời rạc, thủ công và chưa thống nhất. “Thành phố có khoảng 13 triệu dân, nên phải đẩy nhanh thủ tục, tạo sự hài lòng cho người dân. Tuy nhiên do dân đông nên thành phố nỗ lực hết sức cũng không đáp ứng được nên phải thực hiện chính quyền điện tử” - ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận những tồn tại mà thành phố chưa giải quyết nhanh.
Nhằm tháo gỡ nút thắt thủ tục tạo sự thuận lợi cho người dân, thông thoáng môi trường đầu tư cho DN, TPHCM vừa ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Hệ thống này hoạt động trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố có năng lực xử lý 17 triệu hồ sơ/năm.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, với hệ thống mới này, các cá nhân, DN sẽ được xác minh và cấp một tài khoản. Tài khoản này sử dụng thống nhất cho việc đăng ký trực tuyến dịch vụ công đối với tất cả các dịch vụ hành chính công các cấp. Hồ sơ điện tử này thay thế cho các hình thức hồ sơ giấy thông thường được thực hiện trực tiếp tại cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính còn cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử.
Mừng vì TTHC được cải thiện, tuy nhiên Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng dự đoán được những khó khăn sắp tới cần giải quyết. “Khi triển khai thực hiện, chỗ nào tắc thì đặt câu hỏi và tìm nguyên nhân giải quyết ngay. Không phải hôm nay công bố ra mắt hệ thống này là xong mà phải làm hàng ngày sao cho hệ thống này hoạt động sống động” - ông Mãi nói đồng thời yêu cầu, các sở, ban, ngành, quận, huyện tăng cường tuyên truyền để người dân biết: Lấy người dân là trung tâm khi thực hiện thì phải lắng nghe để điều chỉnh sao cho tốt hơn. Đồng thời, tổ chức đội ngũ tiếp nhận thông tin phản ánh để xử lý kịp thời. “Vì thành phố lấy hiệu quả và hài lòng của người dân làm thước đo năng lực quản lý hành chính” - ông Mãi nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2022, TPHCM thiết lập 100% thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã được UBND thành phố phê duyệt để cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Hệ thống này còn cung cấp 452 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh...