Học sinh văng tục, đánh hội đồng bạn học: Thầy cô 'hết cách'?

Nguyễn Hoài 01/11/2022 08:00

Học sinh đánh hội đồng bạn học, văng tục, thậm chí xưng “mày – tao” với thầy cô giáo trong lớp. Hàng loạt các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra thời gian qua khiến bức xúc dư luận về vấn đề giáo dục đạo đức học sinh.

Gần đây, liên tiếp các vụ việc học sinh đánh nhau, học sinh bị đánh hội đồng xảy ra ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Nghệ An, Bình Định, Đắc Lắk... Thậm chí, một học sinh lớp 11 ở Long An do mâu thuẫn với một học sinh lớp 10 đã bị nhóm người đánh hội đồng đến tử vong hay một nữ sinh văng tục, thách thức và xưng “mày – tao” với thầy giáo trong lớp học tại Khánh Hòa.

Hiện tượng bạo lực học đường đã tồn tại từ lâu ở mức độ khác nhau nhưng có thể thấy, trong những ngày gần đây vụ việc xảy ra liên tiếp, khiến bức xúc dư luận về vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong các nhà trường.

Phát hiện sớm biểu hiện nguy cơ dùng bạo lực học đường

Bàn về giáo dục phòng chống bạo lực học đường, cô Trần Thị Minh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) cho biết, những học sinh có xu hướng bạo lực tương đối dễ phát hiện thông qua các biểu hiện như: dễ nổi nóng khi bạn bè trêu đùa; lầm lì, ít nói, ít chia sẻ…

Cô Trần Thị Minh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương cùng học trò của mình. Ảnh NT.

Vì vậy tại Trường THPT Xuân Phương khi phát hiện học sinh có nguy cơ dùng bạo lực nhà trường sẽ tổ chức gặp giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh để cùng nhau bàn bạc, tìm cách tháo gỡ để ngăn chặn. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu sẽ gặp riêng học sinh để lắng nghe chia sẻ, tâm tư của học sinh, qua đó phân tích cho các em hiểu nhằm ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn trong các em.

“Sau khi các em đã hiểu rõ, chúng tôi sẽ cho các em ký cam kết không sử dụng bạo lực học đường. Đối với những học sinh này, nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, giám sát để hỗ trợ kịp thời cho các em”, cô Tuyết nói.

Cũng theo cô Tuyết, năm nào cũng vậy, ngay từ khi bước vào năm học mới Trường THPT Xuân Phương đã tổ chức cho học sinh ký cam kết nói không với bạo lực học đường; đồng thời đưa vào tiêu chí chấm thi đua của các tập thể lớp.

Không dừng lại ở đó, tại các buổi sinh hoạt chào cờ Trường THPT Xuân Phương còn xây dựng thành chuyên đề “phòng chống bạo lực học đường” giúp cho học sinh trong toàn trường nâng cao hiểu biết và phòng ngừa, cách xử lý đúng đắn khi có bạo lực xảy ra.

Cảm hóa học sinh cá biệt bằng tình yêu

Chia sẻ về việc dạy học sinh cá biệt, cô Lê Thị Huyền Diệp (giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) kể về câu chuyện của một học sinh do cô chủ nhiệm bị vi phạm kỷ luật nặng. Lúc đó, nhà trường đã phải thành lập hội đồng kỷ luật và hình thức kỷ luật là sẽ gọi gia đình đón về.

Cô Diệp kể: “Tôi sốc vô cùng tuy nhiên để xin cho học sinh có cơ hội sửa đổi, tôi đã lấy tư cách giáo viên của mình để bảo lãnh trước hội đồng nhà trường cho học sinh đó. Khi được tôi bảo lãnh, em ấy đã bật khóc”.

Cô Lê Thị Huyền Diệp (giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn).

Để giúp em ấy lấy lại sự tự tin và thay đổi ngoài những giờ lên lớp, cô Diệp hằng ngày dành một khoảng thời gian 30 đến 1 tiếng để giảng dạy, động viên cậu trò đặc biệt này.

Sau thời gian một năm miệt mài học tập, thành tích của nam sinh đó đã được cải thiện. “Ngày em ấy nhận được giấy báo nhập học của Trường ĐH Công nghiệp Thái Nguyên, em đã gọi điện cho tôi và nói mẹ ơi con đỗ đại học rồi. Tự dưng lúc đó, nước mắt tôi cứ tuôn trào, hạnh phúc vỡ òa”, cô Diệp chia sẻ.

Cũng chính sự gắn bó, tận tâm đó mà nhiều học sinh của cô Diệp đã gọi cô bằng hai từ thân thương “mẹ Diệp”.

Gia đình, nhà trường không nên trốn tránh trách nhiệm

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, với học sinh, nhất là học sinh từ bậc THCS trở lên, việc tuyệt đối không để xảy ra bạo lực học đường trong trường học là khó. Vấn đề đặt ra là, khi xảy ra bạo lực học đường rồi, nhà trường, gia đình xử lý, rút kinh nghiệm như thế nào để giáo dục học sinh.

Bất kỳ vụ bạo lực học đường nào, dù xảy ra trong trường hay ở đâu, nhà trường cũng có trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh. Trong các vụ bạo lực học đường, việc đầu tiên là làm thế nào để động viên học sinh nhận ra cái sai để cùng giải quyết chứ không thể phân thắng thua từ ban đầu. Đối với phụ huynh cũng như vậy, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh để giáo dục con chứ không phải phân xử ai sai, ai đúng.

Nhóm nữ sinh ở tỉnh Đắk Lắk dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp bạn học. Ảnh cắt từ clip.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để giảm tình trạng bạo lực học đường, trước hết, trường học phải dạy học sinh phát triển những giá trị tốt đẹp, dựa trên nền tảng từ sự tôn trọng, tình thương yêu, lòng khoan dung và dạy cho các em các kỹ năng sống để khi xảy ra xung đột các em biết cách tự hòa giải, trình bày, giải quyết các vấn đề.

Từ nền tảng đó, trường học cần xây dựng quy trình xử lý những xung đột, sự cố xảy ra trong nhà trường. Tiếp đến là phối hợp phụ huynh, khơi gợi ý thức tự giác, trách nhiệm, cùng tham gia với nhà trường trong việc giáo dục con cái.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Bạo lực học đường là việc không ai mong muốn xảy ra. Vì vậy, về phía gia đình, khi xảy ra bạo lực học đường, phụ huynh cần bình tĩnh, phối hợp với nhà trường để thống nhất quan điểm giáo dục giữa 2 phía. Cuối cùng, nhà trường và phụ huynh cùng làm rõ trách nhiệm trên từng phương diện thay vì trốn tránh trách nhiệm”.

Nguyễn Hoài