Ninh Thuận: Tọa đàm phản biện dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận
Chiều 31/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, tổ chức tọa đàm phản biện dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Ông Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận chủ trì Hội nghị.
Tham dự có các chuyên gia Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, đã đồng tình và thống nhất cao với sự cần thiết trong việc ban hành chỉ thị và tham gia góp ý, phản biện một số vấn đề như: Bổ sung về thuận lợi, khó khăn trong thực hiện công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; cần đề cập đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đối với công tác dân vận tại địa phương.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, củng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Đổi mới công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại của Nhân dân. Thường xuyên củng cố tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo.
Đảng đoàn HĐND tỉnh Ninh Thuận cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân vận chính quyền.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc từ các chuyên gia cũng như sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung của cơ quan soạn thảo. Đồng thời nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, chọn lọc các ý kiến, trong đó tập trung cơ cấu lại bố cục, nội dung, hình thức chỉ thị được chặt chẽ, phù hợp hơn; bổ sung đánh giá tình tình hình thực tiễn công tác dân vận trong giai đoạn mới... qua đó đảm bảo dự thảo đạt chất lượng và hiệu quả.