Hội thảo khoa học 'An ninh con người ở ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay'
Ngày 1/11, Học viện Chính trị khu vực IV tổ chức hội thảo khoa học “An ninh con người ở ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”.
Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận, trao đổi về các vấn đề chung và vấn đề an ninh con người nhìn từ thực tiễn tại các địa phương.
Theo Học viện Chính trị Khu vực IV: Vùng đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia. Trong công cuộc đổi mới, cũng như cả nước, việc đảm bảo an ninh con người ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập về kinh tế - xã hội của Vùng cùng với nhiều vấn đề về an ninh phi truyền thống mà Vùng đang đối mặt, như biến đổi khí hậu, tài nguyên - môi trường, nguồn nước, nước biển dâng... đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong đảm bảo an ninh con người ở vùng ĐBSCL. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng bảo đảm an ninh con người ở ĐBSCL để đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách đảm bảo tốt an ninh con người ở ĐBSCL là một yêu cầu cấp thiết hiện nay…
Trong 2 phiên thảo luận, các đại biểu đã báo cáo tham luận, đóng góp nhiều ý kiến làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến sự hình thành, phát triển khái niệm an ninh con người, cách tiếp cận và những vấn đề đặt ra từ hệ thống pháp luật quốc tế; góp phần nhận thức về an ninh con người trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; kinh nghiệm đảm bảo an ninh con người của Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam; tác động của di cư đến an ninh con người vùng ĐBSCL; đảm bảo an ninh con người ở ĐBSCL hiện nay;…
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực thực tiễn nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về an ninh con người, đảm bảo an ninh con người; đồng thời, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo tốt hơn an ninh con người ở ĐBSCL trong bối cảnh mới.