Mở rộng đường Nguyễn Tuân (Hà Nội): Rốt ráo triển khai giải phóng mặt bằng

Lê Khánh 01/11/2022 19:53

Đến nay, công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư liên quan đến dự án cải tạo, mở rộng tuyến phố Nguyễn Tuân đang nhanh chóng được thực hiện. Hiện có 121/160 hộ dân và 10 tổ chức đã được duyệt phương án đền bù.

Lượng phương tiện lớn

Những năm gần đây, khu vực tuyến phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành điểm nóng ùn tắc giao thông. Chỉ với chiều dài chỉ khoảng 720 m, rộng 7,5 m, hàng ngày tuyến phố Nguyễn Tuân đang phải gánh lượng phương tiện di chuyển qua rất lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, tại tuyến đường Nguyễn Tuân hiện đang có 4 khu trung cư gồm: Imperia Garden, 90 Nguyễn Tuân, 82 Nguyễn Tuân, 47 Nguyễn Tuân... Chỉ tính riêng 4 khu chung cư này đã có khoảng 7.000/8.000 nghìn hộ chiếm gần 30% người dân sinh sống trên địa bàn phường.

Do vậy, vào giờ cao điểm, đường Nguyễn Tuân thường xuyên xảy ra ùn tắc với mật độ phương tiện và người di chuyển cao. Từ nhiều năm nay, đây chính là một trong những “điểm đen” về giao thông của thành phố.

Hiện trạng tuyến đường Nguyễn Tuân.

Ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân cho hay, đối với quận Thanh Xuân hiện có hai trục giao thông hướng tâm đó là trục Nguyễn Trãi và trục Lê Văn Lương hiện nay đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các trục giao thông theo chiều ngang thì vẫn chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, trong đó có tuyến đường Nguyễn Tuân, một trong những trục giao thông ngang rất nhỏ, hẹp.

“Do vậy, tại tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm. Vì vậy, dự án cải tạo, mở rộng phố Nguyễn Tuân là hết sức quan trọng nhằm giảm cái ùn tắc giao thông và đem lại cái cảnh quan đô thị cũng như tạo đà, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Thanh Xuân”, ông Hải phân tích.

Theo ông Hải, năm 2003 một đoạn đầu đường Nguyễn Tuân đã được mở rộng, mục tiêu để phục vụ SEA Games nên triển khai nhanh. Vì vậy, đoạn tuyến từ Ngụy Như Kon Tum giao với Nguyễn Huy Tưởng được ưu tiên thực hiện trước. Hiện nay còn 720 m đang là điểm tắc nghẽn cục bộ.

UBND quận Thanh Xuân đã xin chủ trương, lập dự án để thực hiện việc mở rộng, cải tạo nhằm tăng cường lưu thông cho các trục giao thông ngang, trong đó có đường Nguyễn Tuân.

Theo thiết kế, đoạn tuyến được mở rộng dài 720 m, từ điểm giao với đường Nguyễn Trãi đến ngõ 162 Nguyễn Tuân. Mặt cắt ngang tuyến là 21 m, gồm phần lòng đường rộng 15 m và 2 bên lề rộng 3 m.

“Về kế hoạch, tiến độ dự kiến chúng tôi đề ra hết năm 2022 sẽ phê duyệt tất cả các phương án để giải phóng mặt bằng và dự kiến giữa năm 2023 sẽ tiến hành thi công triển khai dự án. Việc thi công sẽ hoàn thành trong 1 năm”, ông Hải cho hay.

Rốt ráo giải phóng mặt bằng

“Để phục vụ thi công dự án, diện tích đất bị thu hồi đất 14.300 m2 gồm 160 hộ dân và 11 tổ chức. Hiện đã có 121/160 hộ dân và 10 tổ chức được phê duyệt phương án đền bù. Giải phóng mặt bằng là một trong những công việc khó khăn nhất hiện nay. Cho đến thời điểm này vẫn còn 39 hộ, chúng tôi chưa thể phê duyệt được phương án giải phóng mặt bằng”, ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, trong 121 hộ dân đã được phê duyệt phương án đền bù mới chỉ có 64 hộ nhận tiền đền bù đồng ý bàn giao mặt bằng. Việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.

Hiện đã có 121/160 hộ dân và 10 tổ chức được phê duyệt phương án đền bù.

“Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phát sinh rất nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại, thậm chí có cả đơn tố cáo. Về nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc này chúng tôi đánh giá là do công tác quản lý về đất đai, tình trạng cư trú của công dân giai đoạn trước đây chưa được chặt chẽ. Bên cạnh đó, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ. Do vậy, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn khi phải xác minh, xây dựng phương án đền bù.

Đồng thời, nhiều hộ dân trong quá trình sử dụng đất không có các hồ sơ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc sử dụng đất. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ra nhiều đơn thư khiếu nại, đó là chính sách đền bù, hỗ trợ của chúng ta hiện nay vẫn còn bất cập, đơn giá đền bù thấp hơn so với giá thực tế trên thị trường”, Ông Hải nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu, trong các hộ chưa phê duyệt phương án đền bù có 22 hộ là không xác định được nguồn gốc sử dụng đất, còn một số trường hợp thì sử dụng đất lưu không trước đây. Do vậy, chính sách đền bù và hỗ trợ rất thấp.

“Đối với các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Phối hợp với các sở, ban ngành đề xuất các chính sách đặc thù để đảm bảo quyền lợi của người dân. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tập trung vào việc giải quyết các đơn thư, khiếu nại, kiến nghị của người dân.

Đặc biệt, nếu đã có đầy đủ chính sách, đối với các trường hợp cố tình chây ì chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND quận Thanh Xuân thực hiện cưỡng chế để thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ đề ra”, ông Hải khẳng định.

Lê Khánh