Xây nhà ở cho công nhân: Cần cơ chế đặc thù
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên các cơ chế chính sách ưu đãi hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, trong 3 quý đầu của năm 2022, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn với tổng diện tích 300.000 m2 sàn xây dựng.
Đồng thời, đã khởi công 17 dự án với tổng số khoảng 31.230 căn; trong đó có 14 dự án nhà ở xã hội quy mô 27.870 căn, 3 dự án nhà ở công nhân quy mô 3.360 căn. Tuy nhiên, con số này theo đánh giá của Bộ Xây dựng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu; trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.
Đề cập đến nguyên nhân khiến tiến độ xây nhà ở cho công nhân chậm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội. Trong đó nổi lên là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng; Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu này rất lớn.
Xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn cũng là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Từ thực tiễn ở địa phương, đại biểu Quốc Hội Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cho biết, vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách khiến việc triển khai nhà ở cho công nhân chưa như kỳ vọng. Đơn cử như theo điều 49 của Luật Nhà ở 2014, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Hay tại Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, một trong những điều kiện được hưởng chính sách này là chưa có nhà, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quy định trên không hợp lý, vì nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. Mặc dù, họ đã có nhà ở quê, sống cùng bố mẹ và anh chị em, nhưng do đi làm ăn xa, điều kiện chỗ ở chật chội, nên rất cần được xem xét hỗ trợ nhà ở. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 xây dựng 1 triệu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi cần nguồn lực rất lớn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp mà còn huy động cả nguồn lực từ các cá nhân, hộ gia đình.
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có khoảng 70% lao động đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2 một người. Đặc biệt ở những đô thị, thành phố lớn tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất áp lực thuê nhà trọ càng tăng. Trong khi đó thu nhập người lao động hiện nay dù rất thấp nhưng hàng tháng vẫn phải dành khoản không nhỏ cho thuê nhà trọ.
Đánh giá về chính sách an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, qua đại dịch, đời sống người dân hiện nay được cải thiện, nhưng vẫn còn bộ phận khó khăn. Bình quân thu nhập của người lao động quý III/2022 tăng lên 7,6 triệu đồng/tháng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Khu vực dịch vụ có thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng.
“Công tác đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững của Việt Nam có nhiều thách thức. Cả nước còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 9% tổng số hộ. Theo tiêu chí mới, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Lưới an sinh xã hội thực chất còn thấp. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thiếu...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu; trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.