Lo ngại rửa tiền từ tiền ảo, tài sản ảo

H.Vũ 02/11/2022 06:41

Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công. Nhất là các giao dịch BĐS có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát. Do đó, theo bà Chung, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực BĐS là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực BĐS cần bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức đấu giá tài sản. Bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến. Nhiều năm gần đây hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá”- bà Chung nói và kiến nghị “dự thảo luật cần bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đó là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều BĐS trở lên trong một lần.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) lo ngại tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp. Do đó cần kiểm soát tài sản ảo, tiền dùng cho tài trợ khủng bố. Bởi trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Đặc biệt khi tiền ảo, tài sản số đã được một số quốc gia công nhận thì tại Việt Nam gần đây đã xuất hiện cái hình thức mua bán Bitcoin. Vì thế, nếu không quy định cụ thể thì sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền, chuyển tiền lợi dụng.

Để dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền bao quát các hoạt động mới phát sinh, bà Thuỷ đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận về các loại hình này. Đồng thời, cần mở rộng phạm vi, đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới và các dịch vụ chuyển tiền để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ông Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và hoạt động phòng, chống rửa tiền nói riêng trong thời gian qua nổi lên hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích của hành vi này là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ đó, ông Trung đề nghị, đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm vào dự thảo luật để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.

Tương tự, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi (Đoàn tỉnh Sơn La) chỉ rõ, hiện tại có một loại dữ liệu trên không gian mạng được một số người gán cho giá trị, được gọi là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử. “Có tình trạng sử dụng khoa học công nghệ, dữ liệu trên không gian mạng để thực hiện các thỏa thuận trao đổi giữa các cá nhân trên phạm vi toàn cầu, vượt qua các quy định về mặt tài chính, tiền tệ của các quốc gia, khu vực”- bà Đôi nói.

Bà Đôi đề nghị, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng, quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ các hình thức chuyển đổi, thỏa thuận trao đổi tiền thông qua các công cụ mã hóa trên không gian mạng, nhằm thực hiện phòng, chống rửa tiền và các loại tội phạm có liên quan.

H.Vũ